Trùng Khánh giờ được xem như một trong những thành phố hàng đầu của Trung Quốc. Hằng năm Trùng Khánh đón chào hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thưởng lãm, trải nghiệm những cảnh đẹp thiên nhiên đặc sắc. Trùng Khánh có nghĩa là “niềm vui nhân đôi”. Thành phố này được xem là cổng vào của châu Á nằm dọc theo bờ sông Dương Tử. Nơi đây có sự hòa lẫn giữa quá khứ và hiện tại với những câu chuyện lịch sử có từ hơn 3.000 năm trước.
Theo truyền thuyết, Đại Vũ – vị vua vào thời cổ đại của Trung Quốc – là người rất có tài trị thủy. Ông đã đến vùng này và tìm thấy người phụ nữ mà ông yêu. Họ đã kết hôn ở đây và từ đó đến nay, thành phố này phát triển rất mạnh mẽ.
Mặc dù mang đậm những dấu ấn của thời kỳ hiện đại nhưng Trùng Khánh ngày nay vẫn duy trì các truyền thống lâu đời. Một trong số đó là bến cảng Từ Khí Khẩu, đồng thời cũng là một khu phố cổ. Bến cảng này đã từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng thế giới được vẽ vào đời nhà Minh. Mặc dù khu phố cổ này gắn kết chặt chẽ với thành phố, nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng duy trì phong cách sống rất riêng của mình với những công trình kiến trúc lâu đời, nhiều ngôi nhà được xây bằng tre và gỗ theo đúng như cách người ta đã làm cách nay nhiều thế kỷ.
Người dân địa phương xem khu phố cổ Từ Khí Khẩu là nơi có phong thủy tốt nhất do có 3 ngọn núi bao bọc xung quanh và 2 dòng sông chảy xuyên qua. Những cư dân Từ Khí Khẩu vẫn duy trì những phong tục truyền thống đã gần như biến mất ở nhiều nơi khác trên đất nước Trung Hoa.
Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên là trường nghệ thuật lâu đời nhất ở Trung Quốc. Được thành lập vào năm 1940, ngôi trường này đã nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước nhờ chất lượng giảng dạy. Trường đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong các lĩnh vực nghệ thuật và hội họa. Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên cũng có một phòng trưng bày nghệ thuật, khu trung tâm thông tin, thư viện và một studio riêng mang đến cho những người thích nghệ thuật nhiều cơ hội sáng tạo và giới thiệu những tác phẩm của mình với công chúng.
Các món lẩu có bề dày lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Chúng có nguồn gốc từ miền Bắc, nơi mọi người tìm cách chống lại cái lạnh vào dịp đầu năm. Lẩu được phổ biến đến miền Nam Trung Quốc vào đời nhà Hán. Những cư dân du mục miền Bắc thêm vào món lẩu các nguyên liệu như nấm, thịt bò trong khi đó, người miền Nam thêm vào các loại hải sản.
Vào đời nhà Thanh, món lẩu đã trở nên phổ biến trên khắp đất nước Trung Quốc. Món lẩu có mùi vị độc đáo nhờ vào sự kết hợp của hơn 10 loại nguyên liệu khác nhau chẳng hạn như gừng, tỏi, ớt đỏ, hoa tiêu, cùng nhiều nguyên liệu khác của địa phương.
Lẩu là một món ăn nóng với mùi vị rất hấp dẫn, rất thích hợp với điều kiện thời tiết ở Trùng Khánh. Vào mùa đông, nhiều người dân Trùng Khánh thích tìm đến các quán lẩu để có được cảm giác sảng khoái cùng với cái nóng và cay của món lẩu bốc hơi nghi ngút.
Nguồn thvl.vn