Tại xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) đồng bào Thái đã tự trang bị mọi điều kiện để “làm” du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, phát triển kinh tế.
Chính sự năng động của người dân Mường Lò đang góp phần đưa thị xã Nghĩa Lộ trở thành một điểm nhấn trong chương trình Du lịch về cội nguồn phối hợp giữa 3 tỉnh: Phú Tho, Lào Cai và Yên Bái…
Thu hút khách bởi cách làm hay
Có một điều khác biệt khi khách du lịch tới Mường Lò là họ thường chọn nhà dân ở để tiện cho việc tìm hiểu, khám phá. Những năm trước đây, nhà của người Thái đen vốn bừa bộn và việc vệ sinh không đảm bảo, nhất là việc nuôi trâu bò dưới gầm sàn nhà nên lượng khách du lịch tới tham quan và nghỉ lại qua đêm không nhiều.
Chị Hoàng Thị Phượng, ở thôn Đêu 3 là người đi đầu trong “cải cách” làm du lịch. Sau nhiều lần đón khách, nhận ra việc mất vệ sinh trong sinh hoạt đang làm giảm lượng du khách, chị đã vận động gia đình vệ sinh nhà cửa, sắp xếp gọn gàng, đưa chuồng trại ra xa nhà. Chị bỏ ra một số tiền lớn đầu tư vào sửa sang lại nhà cửa, xây công trình vệ sinh tự hoại, mua chăn đệm mới…
Đặc biệt, chị đi đầu trong việc nối mạng Internet để phục vụ du khách. Với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, sạch sẽ nên gia đình chị đã trở thành một điểm ăn nghỉ uy tín trong thôn… Sau đó, chị còn cộng tác cùng những hãng du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, TPHCM hình thành tua để chủ động đón khách.
Đến nay, cơ ngơi nhà chị tương đương với một khách sạn 3 sao. Mỗi năm chị đón gần 500 khách, đa phần là khách nước ngoài. Đến ở với gia đình chị, du khách được tham gia sinh hoạt như một thành viên trong gia đình. Anh Luật, chồng chị Phượng thường đưa khách đến các bản làng người Thái, người Mông, đi tham quan các danh thắng, di tích trong và ngoài xã. Tối về, quây quần bên mâm cơm gia đình, các du khách có dịp được các cụ già trong làng, những người am hiểu văn hóa Thái giải đáp các thắc mắc, những điều chưa hiểu.
Nói về chuyện làm du lịch, chị Hoàng Thị Phượng cho biết, đó cũng là một sự tình cờ. Từ rất lâu rồi, Nghĩa Lộ vốn được biết đến là nơi khởi nguồn của người Thái Tây Bắc Việt Nam. Rất nhiều du khách với mong muốn tìm hiểu về nền văn hóa Thái đã tìm đến và Nghĩa An luôn là điểm đến ưa thích vì đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét văn hóa, sinh hoạt từ thuở sơ khai.
“Ngoài việc tăng thêm thu nhập cho gia đình và tạo việc làm, tôi mong muốn nét đẹp trong văn hóa dân tộc Thái được mọi người nhìn nhận, tôn trọng và yêu quý hơn. Đồng thời qua dịch vụ du lịch này, mình cũng học hỏi được những nét văn hóa, cách ăn ở sinh hoạt của du khách để bổ sung kiến thức cho chính mình”- Chị Phượng tâm sự.
Không có cơ sở vật chất để đón khách như chị Phượng, chị Hà Thị Thanh ở bản Đêu 2 có một cách làm “du lịch” khá độc đáo. Chị và một số chị em khác thành lập cơ sở dệt thổ cẩm làm ra các sản phẩm để bán cho du khách. Những chiếc khăn piêu, những chiếc khăn 7 màu hay những chiếc áo được khâu bằng tay của các chị được du khách rất yêu thích. Hầu hết, chúng được làm thủ công và mang theo tâm hồn của người phụ nữ Thái.
Chị Thanh cho biết, gọi là “kinh doanh du lịch” nhưng hầu như các chị chỉ lấy lãi vài ba nghìn đồng một sản phẩm. Nhiều khi ngồi bán hàng thì ít nhưng giải thích cho khách ý nghĩa từng đường chỉ, từng hoa văn thì nhiều. Có ngày, các chị phải dừng cả công việc đồng áng để ngồi nói chuyện với khách. Khi chia tay, rất nhiều du khách biếu tiền nhưng các chị không bao giờ nhận.
Chị Thanh kể, có lần về Hà Nội, chị nhìn thấy các sản phẩm của mình được treo trang trọng ở các nhà hàng, khách sạn lớn, thấy rất tự hào. “Việc dệt thổ cẩm là việc làm hàng ngày của người dân tộc Thái, ngoài làm ruộng chúng tôi tranh thủ dệt thổ cẩm. Bây giờ, chúng tôi dệt nhiều sản phẩm có mẫu mã đặc sắc hơn, đa dạng hơn để khách du lịch tìm hiểu về nét văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi có thể bán ở chợ Mường Lò, bán cho khách du lịch, thậm chí tặng cho du khách nếu du khách thực sự yêu thích” – Chị Thanh nói.
Bảo tồn văn hoá để phát triển du lịch
Nghĩa An đang được thị xã Nghĩa Lộ xây dựng thành một điểm du lịch sinh thái cộng đồng đặc trưng của đất Thái Mường Lò. Nhiều người dân ở đây có thể chưa hiểu rõ được hai từ “du lịch” nhưng trong suy nghĩ của mỗi người đều mong muốn bản làng mình đẹp hơn, được đón nhiều du khách hơn. Ở đây không chỉ có vấn đề thu nhập. Người Thái sống hồn hậu, coi việc có khách đến nhà là điều may mắn nên luôn đón chào khách với sự chân thành và quý mến nhất.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, từ năm 2005, Nghĩa An đã triển khai các dự án làng nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Các gia đình được đầu tư khung dệt nhằm phát triển làng nghề dệt truyền thống, thu hút khách tham quan và tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận trực tiếp cho người dân.
Ngoài ra, xã còn triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh tự hoại cho các gia đình, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường phục vụ khách đến nghỉ tại gia, đầu tư một điểm du lịch cộng đồng tại nhà sàn văn hoá thôn Đêu 1 với các hoạt động sinh hoạt văn hoá ẩm thực, văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian…
Khi thấy bản làng của mình trở thành điểm dừng chân của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, người dân nơi đây đã dần ý thức được việc bảo tồn, giữ gìn phong tục tập quán và bản sắc văn hoá dân tộc hơn. Các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian được duy trì và tổ chức thường xuyên.
Xã Nghĩa An khuyến khích thành lập các đội văn nghệ, mỗi thôn bản có một đội văn nghệ. Riêng đội văn nghệ của Đoàn thanh niên được đào tạo, dàn dựng những điệu múa truyền thống như: Múa khăn, múa quạt, múa hoa ban, múa sạp… phục vụ các đoàn khách, khuyến khích các nghệ nhân không ngừng tìm hiểu, khôi phục, dàn dựng các loại hình nghệ thuật của dân tộc mình.
Nghĩa An đang ngày càng được nhiều du khách trong nước và quốc tế tới thăm bởi sự hồn hậu của người dân cộng với vẻ hấp dẫn của thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc nơi đây. Chính người Thái Mường Lò đã tạo nên vẻ đẹp mới cho quê hương, đồng thời góp sức cho thành công của Chương trình du lịch về cội nguồn, thương hiệu mà ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Lào Cai đang nỗ lực xây dựng và quảng bá.
Nguồn: Báo Biên Phòng