Gọi là làng tranh, nhưng không phải nói đến những mái nhà làm bằng cỏ tranh mà là những bức tường, bồn nước hay ống khói… biến thành bức tranh vẽ thu hút bao khách du lịch.
Khách du lịch tiếp tục bắt gặp một khoảnh khắc ngạc nhiên khác qua sự sáng tạo của người dân xứ sở kim chi.
Đoàn tàu khổng lồ lăn bánh xuyên qua những ô cửa sổ, đàn cá đầy màu sắc bơi mãi trên tường, hoa trải đầy trên con dốc dẫn lên đỉnh đồi… Đó là những bức vẽ đầy màu sắc bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong những ngôi làng vô cùng đặc biệt ở Hàn Quốc. Người ta gọi đó là cuộc sống trong những bức tranh, và nhờ những bức tranh ấy mà bao nhiêu ngôi nhà thoát khỏi bờ vực khó nghèo.
Làng nghèo thành nơi sáng tác nghệ thuật
Dưới ánh nắng trải ngập dải trời rộng, những ngôi nhà khối hộp thấp tầng xếp chồng lên nhau mãi tận đỉnh đồi hệt như trò chơi xếp gạch của Lego. “Santorini của Hàn Quốc”, hay “Machu Picchu xứ Hàn” là những cái tên đáng yêu người ta dùng để gọi làng văn hóa Gamcheon ở thành phố Busan.
Ngôi làng rực rỡ màu sắc này khiến khách du lịch say lòng với tầm nhìn khoáng đạt xuống hàng trăm nóc nhà màu xanh biển, đỏ, vàng, cam…Nhưng điều khiến Gamcheon trở nên thú vị lại nằm ở những con hẻm chật hẹp ẩn sâu trong lòng “mê cung” của hàng trăm khối nhà.
Đi dạo ở đây giống như khi bạn lạc trong xứ sở thần tiên của cô bé Alice vậy. Lang thang theo những mũi tên hay biểu tượng bằng gỗ hình con cá đầy màu sắc, bạn sẽ lần lượt khám phá những bí mật sặc sỡ của Gamcheon. Đó có thể là những bông hoa rực nắng đang “nở” trên tường nhà, những con chim mặt người chẳng bao giờ bay khỏi sân thượng, hoặc dưới chân bức tường lớn là một đàn cá hay chuồn chuồn khổng lồ cứ “đậu” mãi không đi.
Ở phía dưới một con dốc quanh co rất có thể là cánh đồng cỏ xanh ngát, hay bất ngờ hiện ra nơi góc hẹp là ngọn hải đăng đỏ rực. Những con cá trên tường cũng có thể dẫn bạn đến các phòng trưng bày không có gì nhiều hơn ngoài một bức tranh đơn giản miêu tả ước vọng ấm no.
Gamcheon thực chất không phải là nơi được dựng lên cho khách du lịch. Gemcheon là một ngôi làng nghèo đã có từ thời chiến tranh Triều Tiên, nơi mà nhiều thế hệ vẫn đang cùng sinh sống trong những khối hộp bêtông chật hẹp, và rất nhiều người vẫn đang phải dùng nhà vệ sinh chung của làng.
Thay vì phá bỏ những ngôi làng như thế này, thành phố Busan đã tiến hành nhiều dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Để biến Gamcheon thành không gian của nghệ thuật và văn hóa, nhiều trường cao đẳng gần đó đã cùng làm việc với dân làng để biến 300 ngôi nhà thành phòng trưng bày, quán cà phê… Những bức tranh vẽ khắp nơi trên tường nhà cùng nghệ thuật sắp đặt xuất hiện trong những góc hẻm là sản phẩm đặc biệt nhất của dự án này.
Làng tranh tường
Xuôi xuống phía nam, ngôi làng nằm ngay trên ngọn đồi nơi tọa lạc bến cảng Gangguan của thành phố Tongyeong lại có một cái tên rất xinh xắn: làng tranh tường Dongpirang. Đúng như cái tên, ngôi làng có thể gây ngạc nhiên với những bức tường, cầu thang, hàng rào, bể chứa nước hay ống khói ở Dongpirang đều là phông nền cho hàng trăm bức vẽ khác nhau, mỗi bức tranh là một câu chuyện.
Đó có thể là cả một thế giới trên mây hay những chú nhện khổng lồ đang giăng tơ trong góc hẹp, một vài bức chân dung khổng lồ sặc sỡ khác có thể nằm ngay góc cua kế tiếp, trong khi trên sân thượng một quán nước, anh chàng béo nổi tiếng Psy trong bộ dạng… tiên cá lại đang trầm ngâm trước những dòng thực đơn. Ở Dongpirang, khách du lịch có thể phóng tầm mắt xuống bến cảng và những ngọn núi đẫm màu hoàng hôn bên dưới, rồi reo lên thích thú khi nhận ra bức phác họa khung cảnh ấy đang nằm trên một mái nhà và thùng chứa nước đã được sơn màu trời.
Khung cảnh nhộn nhịp khi hàng dài người xếp hàng để chụp hình với những bức tranh ngộ nghĩnh, sặc sỡ ở Dongpirang đã làm thay đổi hoàn toàn số phận ngôi làng. Nếu không có nhóm hoạt động TYagenda 21 cùng chiến dịch “Sơn những con đường của Dongpirang với màu sắc và các bức vẽ”, ngôi làng chắc chắn đã bị phá bỏ.
Kế hoạch mua lại toàn bộ khu vực để phục hồi một pháo đài và xây dựng công viên đã bị hoãn vô thời hạn khi Dongpirang trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Chính những sinh viên chuyên ngành nghệ thuật đã biến ngôi làng thành tranh vẽ và kéo hàng ngàn khách du lịch đến đây mỗi ngày.
Và làng “3D” giữa Seoul
Cũng là một điểm tham quan không mất một xu tiền vé, ngôi làng 3D Ihwa nằm giữa thủ đô Seoul không lúc nào ngớt cảnh những khách du lịch dạo quanh với chiếc máy ảnh trên tay. Năm 2006, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Hàn Quốc đã kêu gọi các tình nguyện viên tham gia một dự án nhằm nâng cấp hình ảnh những khu vực bị cô lập như làng Ihwa.
Những sinh viên Đại học Hansung là người đã giúp thu hẹp khoảng cách văn hóa và tạo điều kiện cho dân làng Ihwa có cơ hội thưởng thức nghệ thuật bằng cách biến chính những bức tường nhà ở đây thành các bức tranh đầy màu sắc.
“Hi vọng” và “Ấm áp” là hai từ khóa quan trọng nhất cho việc vẽ nên những bức tranh khiến ngôi làng Ihwa trầm mặc của những năm 1970 sáng bừng sức sống. Khung cảnh ảm đạm của ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Naksan giờ đây khoác lên mình một diện mạo mới đầy sáng tạo.
Một bông hoa khổng lồ mọc bên khung cửa sổ, nơi đặt một chiếc ghế dựa màu hồng 3D hệt như thật, những chú chó con chui ra từ lỗ nhỏ dưới chân tường, hay một cầu thang rải đầy cánh hoa khổng lồ… là những bất ngờ thú vị mà bạn có thể khám phá ở Ihwa.
Không xuất hiện với mật độ dày đặc, lại nằm trong những góc khuất nhỏ hẹp, việc tìm kiếm những bức vẽ ở Ihwa giống như chơi trò trốn tìm của trẻ nhỏ. Ngôi làng nhỏ này giờ đây trở nên vô cùng nổi tiếng sau khi xuất hiện trong nhiều bộ phim và chương trình thực tế của Hàn Quốc.
Không hề được liệt kê trong danh sách những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Seoul, nhưng từ lâu Ihwa đã là điểm đến không bao giờ thiếu của những fan điện ảnh và người mê các bức tranh vẽ trên tường.
===============================================================
* Đến làng Gamcheon: Đi tàu điện ngầm line 1 đến trạm Toesong, ra cửa số 6. Đón chuyến xe buýt nhỏ số 2 hoặc 2-2 và dừng ở trạm cuối cùng, đây chính là nơi có góc nhìn đẹp nhất của làng.
* Đến làng Dongpirang: Từ Seoul, bạn có thể đi xe buýt liên tỉnh đến Tongyeong. Các chuyến đi từ bến xe Seoul Nambu (09:30-18:00) hay Seoul Express Bus (07:10-00:30) kéo dài khoảng bốn giờ rưỡi. Tại bến xe buýt Tongyeong, bạn đón xe buýt nội thành đến chợ Jungang nằm ngay cạnh bến cảng Gangguan, từ đây bạn có thể đi bộ lên làng Dongpirang.
* Đến làng Ihwa: Đi tàu điện ngầm line 4, xuống trạm Hyehwa, ra cửa số 2. Đi thẳng vài phút rồi quẹo trái theo hướng biển chỉ dẫn lên công viên Naksan. Làng Ihwa nằm dưới chân công viên.
===============================================================
Theo: Du lịch / Tuổi trẻ