Bảo Yên, huyện cửa ngõ phía Nam tỉnh Lào Cai, miền đất có 2 dòng sông, với nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Huyện đã và đang khai thác tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế từ ngành “công nghiệp không khói”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 xác định: Lấy phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp làm trọng tâm, thương mại – dịch vụ – du lịch là quan trọng, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là cơ bản. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi trọng phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, tạo bước phát triển toàn diện, bền vững. Tạo môi trường ổn định, mở rộng hợp tác thị trường, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch trên cơ sở tiềm năng sẵn có và sự năng động, sáng tạo của người dân địa phương.
Năm 2009, Bảo Yên tổ chức thành công “Tuần văn hoá du lịch” cấp tỉnh, thu hút hàng vạn du khách đến với Bảo Yên, tạo cơ hội để khách du lịch khám phá bản sắc văn hoá đặc trưng của 13 dân tộc. Bảo Yên vốn có truyền thống cách mạng với 5 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và cấp Quốc gia như: Đền Bảo Hà, Thành cổ Nghị Lang, đồn Phố Ràng đang là điểm đến của du khách mọi miền đất nước. Theo Quốc lộ 279, du khách tới các xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến, một dải đất đậm đà bản sắc dân tộc Tày. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ẩm thực của đồng quê, như: nộm hoa chuối rừng, cá suối nướng, vịt bầu lam ống nứa, bánh tro, xôi 7 màu, thịt gà canh kiệu… cụng ly với chủ nhà những chén “rượu đao” (rượu làm từ cây đao trên rừng) có vị thơm ngọt của núi rừng, tình cảm thân thiện mến khách sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, đến một lần rồi muốn trở lại.
Xuôi theo sông Chảy, du khách đến với Việt Tiến, Long Khánh nơi giáp ranh với tỉnh Yên Bái, thăm khu căn cứ cách mạng, nơi bảo vệ cán bộ Việt Minh, trước những năm chuẩn bị thành lập huyện Bảo Yên. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức món ẩm thực như: măng đắng chấm mẻ, canh lá đắng, cơm lam, bánh dày và canh khoai sọ tím bùi, ngậy thơm nức. Vượt 10 km tới bản 9 Long Khánh, du khách sẽ được thiên nhiên ban tặng một không khí trong lành mát mẻ, những ngôi nhà sàn sang trọng là nơi nghỉ chân lý tưởng của du khách, nơi đây đang phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh, trong tương lai không xa sẽ là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách.
Trở lại với vùng đất ven sông Hồng, thị tứ Bảo Hà sầm uất đang phát triển từng ngày. Du khách đều biết đến Đền Bảo Hà, soi bóng xuống dòng sông Hồng, bên cây cầu nối đôi bờ, tạo nên cảnh quan du lịch tâm linh huyền bí. Lễ hội Đền Bảo Hà được tổ chức thường niên vào Rằm tháng Bảy, đã thu hút hàng vạn du khách khắp mọi miền cả nước đến dâng hương. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đền Bảo Hà còn là nơi để người dân Việt Nam tự hào hơn về truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc. Bảo Hà đang là điểm đến du lịch văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng của cả nước. Hiện nay, Đền Bảo Hà đang được tỉnh quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo nâng tầm du lịch cấp Quốc gia.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên đã khẳng định: Khuyến khích các thành phần kinh tế, mở rộng hợp tác thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu đến năm 2015, giá trị gia tăng thương mại – du lịch đạt 532 tỷ đồng, tỷ trọng thương mại – du lịch chiếm 35% tổng thu ngân sách trong toàn huyện. Mở rộng, khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thu hút du khách đến với Bảo Yên. Phấn đấu đến năm 2015, có trên 200.000 lượt du khách đến Bảo Yên, doanh thu từ du lịch đạt 20 tỷ đồng/năm. Trong thời gian tới, huyện sẽ thành lập Ban quản lý Di tích lịch sử văn hoá và du lịch, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và hướng dẫn viên chuyên nghiệp, mở các lớp tập huấn kiến thức giao tiếp, ứng xử văn minh cho nhân viên các khách sạn, nhà hàng và cộng đồng dân cư hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Bảo Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hợp tác, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân đến hợp tác đầu tư xây dựng.
StarTour