Măng Đen có vị trí rất đặc biệt, nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và đèo Viôlắk (tỉnh Quảng Ngãi). Với không gian tự nhiên, nguyên thủy của hệ sinh thái, sự hoang sơ và thuần khiết như bông hoa rừng vừa hé nở là yếu tố tạo cho khu du lịch sinh thái Măng Đen có sức hấp dẫn mà ít nơi nào có được.
Măng Đen – Vẻ đẹp hoang sơ
Khi nói đến vùng văn hóa – du lịch Tây Nguyên là chúng ta nghĩ ngay đến không gian văn hóa cồng chiêng, kho tàng sử thi, đến kiến trúc nhà rông, đến cà phê Buôn Mê Thuật và các ca khúc sôi động, giàu sức sống… Tất cả những hình ảnh, ngôn ngữ và âm thanh đó tạo nên một Tây nguyên bản năng, mạnh mẽ, đầy sức lối cuốn và cám dỗ.
Măng Đen có vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết giống như hình ảnh của cô gái thôn quê mới lớn: Dung dị, mộc mạc và hồn nhiên. Bởi vậy, nghỉ dưỡng sinh thái là thế mạnh chủ đạo của Măng Đen. Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, với bạt ngàn rừng thông, với cảnh quan hữu tình của hồ, thác, với hệ sinh thái nhân văn của các dân tộc thiểu số như: Xơ Đăng, Ca Dong, Rơ Măm,… tạo cho Măng Đen khoác trên mình một chiếc áo đẹp nhiều màu sắc.
Xuất phát từ việc coi trọng giá trị nguyên sơ, hoang dã là “của quý” không chỉ riêng của Măng Đen, của Tây Nguyên, của Việt Nam mà là sự “hiếm có” của thế giới trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa hiện nay. Xuất phát từ nhu cầu du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tỉnh Kon Tum đã và đang hướng đến xây dựng Măng Đen thành một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí… đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái.
Tạo một thương hiệu du lịch độc đáo
Quan điểm phát triển đối với khu du lịch sinh thái Măng Đen là mong muốn có một sản phẩm đặc thù, một thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt cho Măng Đen, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch hiện đại. Sản phẩm du lịch sẽ phải thân thiện với thiên nhiên, với các hệ sinh thái tự nhiên, có sự tham gia của cộng đồng dân cư với những nét văn hóa độc đáo về văn hóa bản địa. Măng Đen được xác định là khu du lịch sinh thái Quốc gia, thì sản phẩm du lịch phải có chất lượng, có tầm cỡ Quốc gia và phải kết nối với các vùng du lịch trọng điểm khác trong tổng thể du lịch của vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và Nam Trung Trung Bộ.
Tại hội thảo quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và đô thị Kon Plông đến năm 2030, ông Ngô Trung Hải – Viện trưởng viện Kiến trúc và quản lý đô thị Việt Nam đã nhận định rằng: Măng Đen phải tìm được cái gì rất riêng cho mình để tránh khỏi bước sai lầm mà các đô thị du lịch nghỉ dưỡng khác của Việt Nam đang vấp phải. Cái này chúng ta nên quay lại một mô hình rất xa xưa, tức là: Nói đến đặc thù của một vùng thì cái mà không thể đầu tư được đó là nhiệt độ, khí hậu, đó là cảnh quan khu vực rừng nguyên sinh. Cái đó là cái riêng của Măng Đen mà cái đó là đặc thù nhất, phải giữ lại bằng được, không thể mua được nhiệt độ, đầu tư bao nhiêu tiền, hàng nghìn, hàng tỷ USD cũng không thể nào có được nhiệt độ và khí hậu tuyệt vời như Măng Đen.
Thương hiệu điểm đến Măng Đen không chỉ là những yếu tố hữu hình như khẩu hiệu quảng cáo, logo, tờ gấp, trang thông tin điện tử mà còn bao gồm các yếu tố vô hình như thông tin quảng cáo, quan hệ công chúng và marketing trực tiếp, tại các sự kiện, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Do đó, để xây dựng được thương hiệu điểm đến Măng Đen thì cần phải thực thi toàn diện các yếu tố hữu hình và vô hình dựa trên thế mạnh nổi trội về khí hậu, văn hóa, thiên nhiên.
Để tạo ra các sản phẩm đặc sắc, khác biệt, mang dấu ấn địa phương, cần kết hợp khéo léo giữa các di sản phi vật thể và vật thể, các công trình kiến trúc tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực với cảnh quan và thiên thiên nhiên tươi đẹp. Với thực trạng tiềm năng, lợi thế, sự thu hút đầu tư, sản phẩm du lịch đặc trưng đang được phát triển mạnh ở Măng Đen như: Nuôi cá nước lạnh thương phẩm, nhân giống thành công các loài cá tằm, cá hồi, sản phẩm trà sim, rượu sim, rau, hoa xứ lạnh… Măng Đen có nhiều điều kiện để tạo dựng thương hiệu nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như bản đồ du lịch thế giới.
Để tạo dựng được thương hiệu điểm đến cho khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, tỉnh Kon Tum cần phải nâng cao hơn nữa việc tạo lập, kết nối giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch; nâng cao công tác lập và triển khai quy hoạch, phát triển các khu, điểm du lịch một cách đồng bộ, từ đó vạch ra chiến lược tạo dựng và quảng bá thương hiệu điểm đến Măng Đen theo hướng chất lượng, hiệu quả, quảng bá đúng những gì mình có và đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, dần đưa khu du lịch, đưa Măng Đen trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Nguyên và của cả nước, trở thành một trong những thương hiệu lớn của Việt Nam về Du lịch sinh thái.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tỉnh Kon Tum có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong phát triển Du lịch của cả nước và hợp tác phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, trong đó: Đẩy mạnh việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số; tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng núi, thác hồ.
Phát huy có hiệu quả tài nguyên khí hậu đặc thù để hình thành và phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Măng Đen là dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư thời kỳ 2012-2020 vùng Tây Nguyên. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, khu du lịch Măng Đen thuộc huyện Kon Plông là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch Quốc gia.
Theo: Làng Việt Online