Sabah, nằm ở cực đông đảo lớn Borneo, được người đi biển ngày xưa gọi là Miền đất dưới những ngọn gió vì địa thế đương đầu với đại dương của mình. Cái tên đẹp này ngày càng được nhiều người biết đến hơn nhờ vào tác phẩm Land Below the Wind của nữ văn sĩ nổi tiếng Agnes Keith, mà ngôi nhà cũ của bà ở đó giờ là điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch.
Sabah được nhiều người biết, tìm đến vì ngọn Kinabalu cao nhất Đông Nam Á. Nhưng không chỉ có vậy, tiểu bang lớn thứ hai của Malaysia rộng mênh mông này còn có nhiều miền đất thú vị khác. Sandakan, phố biển nằm ở đông bắc Sabah, là một điểm đến được nhiều khách du lịch tìm đến, không chỉ vì thiên nhiên tươi đẹp mà còn vì những giá trị xưa cũ được giữ gìn trân trọng nơi đây.
Lần theo con đường di sản
Thực ra, Sandakan, ngày trước được gọi là Elopura, đã nổi tiếng trên bản đồ hàng hải của các thương gia quốc tế từ nhiều thế kỷ trước. Có lúc, miền đất này được gọi, hơi thậm xưng, là “nơi tập trung nhiều triệu phú nhất trên thế giới”. Bởi nơi đây tấp nập những thương gia giàu có buôn bán các loại gỗ quý, phẩm vật lạ từ rừng già Borneo, ngọc trai, hải sâm từ biển kế bên, tổ yến từ những rừng đá, hang động không xa Sandakan lắm… Vào cuối thế kỷ 19, khi người Anh đến đây, Sandakan, to đẹp hiện đại hơn cả Hong Kong hay Singapore lúc bấy giờ, đã được chọn làm thủ phủ của vùng Bắc Borneo vào năm 1883, trước khi chuyển giao lại cho Jesselton – Kota Kinabalu bây giờ, vào năm 1946. Trải qua bao sóng gió, nhất là những tang thương do vị trí chiến lược của nó trong Thế chiến 2, dù không còn như thuở oanh liệt ngày nào, Sandakan vẫn giữ được nhiều giá trị xưa cũ cùng thiên nhiên xinh đẹp. Nên khách du lịch đến đây dễ bị bối rối khi thấy những tấm panô: “Sandakan Herritage Trail” – con đường di sản Sandakan khắp nơi trên phố. Vì thật khó để có thể đi hết trong thời gian hạn hẹp với 11 điểm giới thiệu trong con đường di sản, và như hơn chục điểm ở ngoại vi Sandakan.
Tôi cũng vậy, định dành ít thời gian tạt ngang nhưng đã bị miền đất đẹp níu chân. Chắc ăn, và cũng hơi “bội thực” với quá nhiều những mái vòm củ hành trên quốc gia Hồi giáo này, hỏi thăm chú quản lý nhà nghỉ WinHo Lodge, tôi theo con đường di sản ghé thăm nhà thờ Thiên chúa giáo St Michael & All Angels trước.
Được xây dựng vào năm 1893, nhà thờ St Michael & All Angels là một trong những kiến trúc cổ của Sandakan còn sót lại sau chiến trận dữ dội giữa quân đội Úc và Nhật ở đây. Nhà thờ này là một trong những kiến trúc bằng đá hiếm hoi của cả tiểu bang rộng lớn Sabah, và duy nhất ở Sandakan. Một điểm lạ, đá xây dựng nhà thờ là do các tù nhân vận chuyển đến bằng những điều kiện thô sơ qua những cánh rừng già rậm rịt hiểm nguy Borneo. Hơn 100 năm tuổi, nhà thờ kiến trúc đẹp giờ vẫn sừng sững giữa khuôn viên hoa cỏ um tùm, trên một ngọn đồi thấp nhìn về Sandakan. Chỉ trừ phần tranh kính ở các khung cửa được người Úc thay tặng nhân kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc Thế chiến 2; kiến trúc, vật dụng trong nhà thờ gần như được giữ nguyên từ 100 năm trước; kể cả phần lớn các băng ghế đã bóng màu thời gian trong nhà thờ.
Ngôi nhà dưới những ngọn gió
Xuống đồi, tôi lại leo lên ngọn đồi khác, theo Con đường di sản Sandakan có in cả những bước chân trên đường để hướng dẫn khách du lịch, tìm đến “Ngôi nhà dưới những ngọn gió”. Ngôi nhà gỗ hai tầng sơn trắng mái nâu nhỏ nhắn, kiến trúc kiểu thuộc địa thanh thoát nằm giữa thảm cỏ xanh, dưới bóng cổ thụ được chính chủ nhân mô tả: “Căn nhà mới thật đẹp. Lữ khách nên ghé thăm, và nhớ đừng quên mang theo máy chụp hình” (trích trong cuốn sách thứ ba của Agnes Keith – White Man Returns, 1951, trang 87). Nhưng thú vị hơn là những câu chuyện về ngôi nhà và chủ nhân của nó.
Theo chồng đến Sandakan năm 1934, nữ văn sĩ người Mỹ Agnes Keith viết cuốn sách đầu tay “Miền đất dưới những ngọn gió” vào năm 1939, viết trong căn nhà gỗ giờ là bảo tàng Agnes Keith, còn được các bạn trẻ địa phương thi vị hoá giới thiệu với tôi là “Ngôi nhà dưới những ngọn gió”. Thực ra, bấy giờ bà gọi căn nhà của mình là Newland – miền đất mới. Miền đất đem lại cho bà nhiều cảm giác lạ lẫm thú vị khi chuyển từ nước Mỹ hiện đại đến Borneo rừng rú, phương đông huyền bí… này. Căn nhà đã bị tàn phá trong Thế chiến 2, nhưng là kiến trúc đầu tiên được chính quyền Sandakan khôi phục lại ngay sau chiến tranh (1946 – 1947). Lúc này, bà đã nổi tiếng với cuốn sách thứ hai – được dựng thành phim ngay sau đó, kể về những năm tháng lưu lạc tù tội trong chiến tranh của mình – Three came home. Rời khỏi Sandakan năm 1952, thời thế đổi thay bà đã không một lần trở lại. Căn nhà cũ của bà giờ là điểm tham quan ở Sandakan, với nhiều hình ảnh, câu chuyện thú vị về những ngày bà và gia đình sống ở nơi miền gió lộng này.
Rời khỏi “Ngôi nhà dưới những ngọn gió” lúc những đoàn khách du lịch vẫn ùn ùn đổ về, tôi theo những bước chân in sẵn trên Con đường di sản đi tiếp. Nhớ về những căn nhà của nàng Marguerite Duras xưa, của “người tình” Huỳnh Thủy Lê… nơi quê nhà. Ước gì mình cũng có những con đường di sản, để những di sản quý báu của quê nhà không bị lãng quên, lúc nào cũng đông đúc khách du lịch như ở miền Sandakan xa tít tắp mù khơi..
Theo: Sài Gòn tiếp thị