Sáng 16/3, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, nằm trên địa bàn thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế (Bắc Giang), UBND huyện Yên Thế cùng với người dân và khách du lịch thập phương đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 129 năm Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (16/3/1884 – 16/3/2013), và chào mừng sự kiện: Lễ hội Yên Thế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) khởi xướng năm 1884 tại vùng đồi núi thuộc tổng Yên Thế (huyện Tân Yên và Yên Thế ngày nay), trong bối cảnh thực dân Pháp đã xâm chiếm và cơ bản đặt ách đô hộ lên toàn bộ đất nước ta. Sau khi đã chiếm được thành Tỉnh Đạo – phủ Lạng Thương, ngày 16/3/1884, một cánh quân của Thực dân Pháp đã tiến đánh Yên Thế để mở đường tấn công lên Thái Nguyên. Trên đường tiến vào vùng Yên Thế, quân Pháp đã bị nghĩa quân Yên Thế tập kích gây thiệt hại nặng và buộc phải rút quân.
Với hai trận mở màn thắng lợi, Đề Nắm đã cùng các nghĩa sỹ của mình trở về đình Làng Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên ngày nay tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân Yên Thế chống lại triều đình phong kiến và thực dân Pháp xâm lược. Những năm đầu của cuộc chiến do Đề Nắm lãnh đạo, với thế trận liên hoàn, lối đánh du kích tài tình và sự dũng cảm mưu trí, nghĩa quân Yên Thế đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch.
Đến tháng 3/1892, thực dân Pháp tổ chức một trận đánh quy mô lớn với 2.200 quân. Sau 1 tháng chiến đấu kiên cường, song do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhiều nghĩa sỹ tử trận, Đề Nắm cũng bị sát hại, buộc nghĩa quân phải rút khỏi căn cứ. Sau cái chết của Đề Nắm tinh thần của cuộc khởi nghĩa tưởng như bị dập tắt, thì Hoàng Hoa Thám đã củng cố, tập hợp lực lượng, tổ chức lễ tế cờ tại Đình Đông, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, chính thức lãnh đạo phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Với chiến thuật tài tình, nhiều trận đánh do Hoàng Hoa Thám trực tiếp chỉ huy và nhiều lần làm cho giặc Pháp phải kinh hoàng.
Khởi nghĩa Yên Thế kéo dài trong gần 30 năm với đầy máu xương và lửa đạn được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử của dân tộc ta chống thực dân Pháp trước khi có Đảng. Cuộc khởi nghĩa tuy bị dập tắt song đã để lại một trang sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Khắc họa sâu sắc chủ nghĩa anh hùng dân tộc qua hình tượng Đề Thám và nghĩa quân ưu tú của Ông. Cuộc khởi nghĩa là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của nông dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích, về xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.
Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16/3/1984, nhân kỷ niệm 100 năm ngày khởi nghĩa nông dân Yên Thế, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian; đồng thời khắc ghi, tỏ lòng tôn kính đối với người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân ưu tú của Ông, cùng tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa năm xưa đã kiên cường chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược.
Tại lễ hội Yên Thế năm nay, sau diễn văn khai mạc lễ hội của lãnh đạo UBND huyện Yên Thế, là lễ công bố quyết định công nhận lễ hội Yên Thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tiếp đó, tại Khu du tích đã diễn ra lễ tế cờ, tái hiện lại lễ tế cờ năm xưa của nghĩa quân Yên Thế, biểu tượng cho tinh thần yêu nước quật khởi của nhân dân ta; đại diện của một số cơ quan ở Trung ương, ở tỉnh và một số tỉnh bạn, các khách du lịch thập phương đã tham dự phần lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm để tưởng nhớ Người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế.
Năm nay, lễ hội Yên Thế cũng được tổ chức mở rộng hơn mọi năm, trong 3 ngày từ 15 đến 17/3 với nhiều hoạt động sôi nổi: Lễ dâng hương tại đền thờ nghĩa quân Yên Thế; lễ tế cờ; hội hát Quan họ trên thuyền và biểu diễn nghệ thuật rối nước; hội diễn văn nghệ quần chúng; các hoạt động đốt lửa trại, vũ hội, tổ chức các trò chơi dân gian; các giải thể thao như: bắn nỏ, giải vô địch bóng bàn mở rộng, chọi gà, cầu lông mở rộng, giải vô địch bóng chuyền. Ngoài ra, Trung tâm phát hành phim chiếu bóng tỉnh Bắc Giang còn tổ chức đợt chiếu phim phục vụ các xã, thị trấn trong huyện. Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế mở cửa đón khách tham quan suốt dịp diễn ra lễ hội…
Tất cả các hoạt động trên nhằm tái hiện một cách sinh động truyền thống yêu nước của cha ông cùng những nét văn hóa bản sắc, mang đặc trưng vùng miền. Đây chính là điểm nhấn quan trọng của lễ hội, góp phần tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè, khách du lịch thập phương về tham dự.
Theo: Vietnamtourism