Không chỉ làm say lòng người bởi vẻ đẹp tự nhiên, nên thơ của các thắng cảnh, Đà Lạt còn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với khách du lịch bởi những di sản văn hóa độc đáo đang được bảo tồn và lưu giữ ngay trong lòng thành phố.
Di sản kiến trúc Pháp ở Đà Lạt
Đà Lạt từng được mệnh danh là “một Paris thu nhỏ”. Ở đây có nhiều công trình kiến trúc công cộng và dân dụng được xây dựng ở các thời kỳ lịch sử khác nhau (thành phố có khoảng hơn 1.500 ngôi biệt thự), trong đó kiến trúc Pháp vẫn chiếm ưu thế và nổi bật hơn cả, bởi phong cách kiến trúc của các biệt dinh, biệt thự này rất đa dạng có giá trị nghệ thuật cao, được mô phỏng theo nguyên mẫu từ các vùng, miền khác nhau. Vì vậy chúng mang đầy hình ảnh, bản sắc của từng địa phương nước Pháp.
Đà Lạt cũng là một trong những thành phố có nhiều di sản kiến trúc Pháp nhất ở Việt Nam. Nơi đây ngoài một số công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng như trường Trung học Yersin (nay là trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt), Ga Đà Lạt, Nhà thờ con gà, nhà thờ Domaine, Nha địa dư, các dinh thự làm việc và nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp và triều Nguyễn – Việt Nam còn có những khu biệt thự mang đậm phong cách kiến trúc Pháp như khu biệt thự đường Lê Lai, khu biệt thự đường Trần Hưng Đạo, khu biệt thự đường Nguyễn Du và một số biệt thự được phân bố rải rác trong thành phố. Ở đây mỗi ngôi nhà và khuôn viên bao quanh đều mang dáng dấp văn hóa, kiến trúc độc đáo riêng biệt cũng như sở thích của mỗi chủ nhân đến từ nhiều vùng, miền của nước Pháp. Khi đến đây du khách đều bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa trang nhã của phong cách kiến trúc Âu châu, cũng như sự đa dạng về hình dáng của các biệt thự.
Kho mộc bản triều Nguyễn
Đến Đà Lạt ai cũng muốn tìm đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – khu biệt điện Trần Lệ Xuân để chiêm ngưỡng tận mắt những cuốn sách, tài liệu quý được khắc trên ván gỗ dưới triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Đây là nơi bảo tồn lớn nhất về mộc bản triều Nguyễn với số lượng lên tới 34.618 tấm mộc bản. Chúng được khắc rất tinh xảo và sắc nét trên gỗ thị và gỗ cây nha đồng. Mộc bản được lưu giữ ở đây bao gồm những bản thảo sách, tài liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và khắc in từ những năm 20 của thế kỉ XIX và cả những bản thu ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đưa vào Huế từ những năm 40 của thế kỉ XIX theo Dụ của vua Minh Mạng. Đến năm 1960 kho mộc bản vô giá này được chuyển từ Huế vào cao nguyên và giao lại cho chi nhánh Văn khố Đà Lạt cất giữ. Hiện nay tất cả mộc bản này đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV bảo quản và trưng bày giới thiệu một cách có hệ thống, khoa học trong khu biệt điện Trần Lệ Xuân tại số 2 đường Yết Kiêu – thành phố Đà Lạt.
Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn là Tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới (ngày 31/7/2009).
Bảo tàng Lâm Đồng – Số 4 Hùng Vương Đà Lạt
Đây là một địa chỉ tham quan mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá của mình khi đến vùng đất Nam Tây Nguyên. Đến đây bạn không những được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng cũng như phong tục tập quán, sinh hoạt của các dân tộc bản địa đã từng sinh sống lâu đời trên mảnh đất này cùng lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn được chiêm ngưỡng những di sản văn hóa vô giá khác. Đặc biệt như:
Sưu tập mảnh vàng được khắc miết hoặc dập nổi các hình nam thần, nữ thần cùng các linh vật hoặc văn tự được viết theo lối chữ Phạn cổ (Ấn Độ cổ)
Sưu tập Linga -Yoni đồ sộ với nhiều chất liệu khác nhau như: vàng, bạc, đồng, đá thạch anh và đá xám… Trong đó có một bộ Linga-Yoni đã từng được đưa vào kỷ lục guiness Việt Nam (ngày 26/12/2004). Đây là bộ Linga-Yoni lớn nhất Việt Nam và có thể là cả Đông Nam Á (vì hiện nay theo các chuyên gia và các nhà khoa học thì vẫn chưa phát hiện được Linga nào lớn hơn). Sưu tập mảnh vàng và sưu tập Linga-Yoni đều được phát hiện từ khu Thánh địa Cát Tiên huyền bí được xây dựng cách đây hơn 1000 năm, mà cho đến nay sự tồn tại và biến mất của chủ nhân khu thánh địa vẫn còn là điều bí ẩn chưa được giải mã.
Đến Bảo tàng Lâm Đồng du khách còn được chiêm ngưỡng “những cây thạch cầm xưa nhất thế giới” mà ngày nay người ta vẫn quen gọi là đàn đá. Chúng được phát hiện ngay trong lòng đất Nam Tây Nguyên. Theo kết quả thống kê gần đây thì Lâm Đồng là nơi phát hiện được nhiều đàn đá nhất Việt Nam và Bảo tàng Lâm Đồng cũng là nơi đang lưu giữ Bộ sưu tập đàn đá lớn nhất của Việt Nam (hơn 100 thanh đàn với nhiều bộ khác nhau). Các sưu tập đàn đá này có niên đại khoảng từ 3000 – 2500 năm cách ngày nay.
Ngoài những địa chỉ trên, Đà Lạt còn có nhiều nhà sưu tập thuộc Câu lạc bộ cổ vật UNESCO tỉnh Lâm Đồng với nhiều sưu tập cổ vật và hiện vật văn hóa dân tộc độc đáo khác, hy vọng sẽ làm hài lòng du khách có ham muốn tìm hiểu khám phá những di sản văn hóa trên mảnh đất này.
Nguồn: Làng Việt Online