Xuống xe buýt Phnom Penh – Siem Reap ở Kompong Thom,Khách du lịch cõng chiếc balô bụi đời leo lên chiếc xe ôm lao vào những con đường bụi đỏ mù mịt – đặc trưng Campuchia, đi luôn đến Sambor Prei Kuk… Cho đến khi về, tôi vẫn không sao quên được buổi chiều ở đó – với 14 thế kỷ qua mà những ngôi đền gạch vẫn đứng lặng lẽ trong những cội cây già.
Được xem là kinh đô đầu tiên của vương triều Chân Lạp từ 550 – 598 với tên gọi Bhavapura, rồi Ishanapura… Sambor Prei Kuk, nằm ở phía đông bắc thành phố Kompong Thom, giấu mình trong một khu rừng âm u sau những con đường đất đỏ bụi mờ… Thế nhưng, nơi đây ghi dấu một thời oanh liệt của đất nước Campuchia vào thời kỳ “tiền Angkor”. Ngày đi Angkor lần đầu, tôi ngơ ngác hỏi, tại sao chỉ với bàn tay con người, dân tộc Khmer đã xây nên Angkor hùng vĩ và tinh xảo đến thế. Nhưng nếu biết trước cả Angkor, người Khmer đã có Sambor Prei Kuk… thì chắc lúc ấy tôi đã không ngạc nhiên lắm. Hầu hết Angkor làm bằng đá, cứng và bền, còn Sambor Prei Kuk chỉ làm bằng gạch nung… nhưng qua 14 thế kỷ, sức tàn phá của thời gian, qua mưa bom của quân đội Mỹ những năm 1970 thế kỷ trước… Sambor Prei Kuk vẫn còn đó, tuy chỉ những góc nhỏ nhưng vẫn thể hiện tài hoa của người Khmer.
Sự xâm lấn giữa thiên nhiên và những ngôi đền cổ
Bao phủ một diện tích khoảng 30km2, có đến 54 cụm tháp đền. Sự lụi tàn qua 14 thế kỷ, giờ chỉ còn lại bảy cụm đền tương đối nguyên vẹn. Và chỉ có ba cụm đền, Prasat Tao (đền Sư tử), Prasat Sambor và Prasat Trapeang Ropeak, được mở cửa cho du khách thăm viếng. Và cũng chỉ từ năm 2003, khi bom mìn quanh ba cụm đền này được chắc chắn là đã gỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, chỉ với ba cụm đền này, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác khi chiêm ngưỡng tài hoa của những người thợ – nghệ sĩ Khmer đã xây nên chúng. Làm bằng gạch nung với chất kết dính đặc biệt, những chạm trổ, điêu khắc cũng như hình dáng các ngôi đền ảnh hưởng văn hoá Hindu vốn đang mạnh ở Chân Lạp bấy giờ. Ngôi đền Prasat Tao cao 19m, với đôi sư tử bằng đá đen oai nghiêm đứng trước đền, từ hơn một thiên niên kỷ trước vẫn trường tồn qua bao nhiêu đó thời gian và cả lòng tham của con người. Đặc biệt là chúng được làm bằng đá, trong khi đó những đền đài ở đây được làm bằng gạch. Ngôi đền này còn thú vị ở chỗ có bốn cửa, nhưng chỉ có cánh cửa hướng đông là được mở. Theo tài liệu cổ tìm được tại Sambor Prei Kuk, thì “Chỉ những ai đức độ vẹn toàn mới mở được các cánh cửa kia…” – và chắc chúng vẫn đang chờ…
Còn Trapeang Ropeak, ngôi đền thờ thần Indra, không có đôi sư tử đá oai nghiêm canh gác, lại lôi cuốn du khách bởi những chạm trổ thật tinh xảo vẫn còn vài góc nguyên vẹn sau 14 thế kỷ. Điều đáng nói là những chạm khắc trên gạch này rất nhỏ, có khi chỉ bằng nửa hoặc một viên gạch (kích thước như hiện giờ), nhưng qua đằng đẵng thời gian vậy mà chúng vẫn còn rất sắc sảo. Nếu chạm khắc trên đá cứng như ở Angkor còn dễ hình dung, ở đây, chỉ là gạch. Rất may mắn là quanh ngôi đền không bị bao phủ, chen lấn bởi những cây cổ thụ nào nên các góc chạm trổ của ngôi đền gần như giữ nguyên hình, tuyệt đẹp. Từ đó, có thể hình dung được phần nào về nền văn hoá Sambor Prei Kuk xưa.
Tháp, đền đã trụ vững qua 14 thế kỷ
Tôi quá ấn tượng, mê mải ngắm, ngơ ngẩn nhìn, cố ghi hình từng chi tiết của các cụm đền trên. Rồi đến những ngôi đền “cây nuốt”, tôi như chết lặng người và dừng chân tại đây luôn; mãi cho đến khi về. Du lịch Angkor hẳn nhiều người biết đến Ta Prohm, ngôi đền đang “quần nhau” với cây tung cổ thụ – nhất là sau khi bộ phim Lara Croft: Tomb raider với cô đào tên tuổi Angelina, có quay cảnh tại đây, được công chiếu. Ở Ta Prohm, sự xâm lấn giữa cây tung cổ thụ và ngôi đền đá dường như vẫn “bất phân thắng bại”. Còn ở Sambor Prei Kuk lại rất khác. Những cây đa già nua đã và đang cố “nuốt trọn” những ngôi đền nhỏ làm bằng gạch nên dễ bị huỷ hoại hơn. Những cây đa ở đây cao to, bộ rễ treo bên ngoài rất sinh động, như những chiếc vòi ôm phủ lấy những ngôi đền. Cũng dễ thấy gần đó là những bức tường bằng gạch nung hay cả sa thạch đã đổ sụp xuống dưới sức nặng thời gian và cả bộ rễ đồ sộ của đám cổ thụ vây quanh. Dường như ở Sambor Prei Kuk, thiên nhiên đã chiến thắng những ngôi đền, hay đã chiến thắng chính con người.
Chiều Sambor Prei Kuk rừng thưa, nắng hoang hoải, đám lá khô xào xạc; thỉnh thoảng bụi thốc lên trong gió… Ngồi bên những ngôi đền 14 thế kỷ tuổi tác đang hoang phế oằn mình dưới sức sống mãnh liệt của thiên nhiên… tôi thấy lòng chơi vơi… Một ngàn năm sau, không, chỉ vài mươi năm sau nữa thôi, không biết thiên nhiên có nuốt chửng những “tài hoa” của người Khmer.
Nguồn: SGTT