Ngày đã rạng sau những cơn bão, chúng tôi vượt đèo Hải Vân bằng xe máy, lại trèo lên Hải Vân Quan. Nơi đây, nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đang tề tựu cùng tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ và bình yên…
Dấu xưa… một thuở
Hải Vân Quan đã đi vào cuộc sống của nhiều người dân Việt như một thắng cảnh, một cửa ải đầy những hiểm nguy. Theo sử sách xưa thì năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng đã cho xây cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân. Trước đó, vào khoảng năm 1470, khi đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông cảm cảnh sinh tình, đặt là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Mãi về sau này, dù trải qua nhiều phong ba của lịch sử, Hải Vân Quan luôn được coi trọng vì chiếm giữ vị trí chiến lược về an ninh và quốc phòng.
Từ xưa, Hải Vân Quan vừa là trạm trung chuyển, điểm dừng chân, trên con đường thiên lí Bắc-Nam; vừa là cửa ngõ phía Nam của nước Đại Nam; hiện tại là cột mốc ranh giới tự nhiên phân định giữa Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Bởi vậy, nơi đây chứng kiến mồ hôi, nước mắt và cả máu xương các thế hệ người Việt Nam. Từ những danh tướng “mang gươm đi mở cõi” khơi nguồn cho sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dải đất hình chữ S; đến những người dân nghèo vì hoàn cảnh khó khăn phải “tha phương cầu thực”, trong đó, không ít người phải bỏ mạng khi sức cùng lực kiệt, lương thực dự trữ không còn.
Họ không kịp quay về phương Bắc, vái lạy tổ tiên, xác nằm lại bên đường, hoặc phơi cùng mưa nắng… Chính họ đã làm nên những huyền tích trên đỉnh Hải Vân. Không chỉ thế, Hải Vân Quan còn nằm trên một địa thế khá lí tưởng, khí hậu mát mẻ quanh năm, là chốn “thiên cảnh bồng lai”, một bên là núi với sương trắng bao phủ quanh năm, bên kia là biển nước sâu mênh mông hiền hòa trong ánh nắng vàng.
Hải Vân Quan, Tiềm năng du lịch chưa được đánh thức
Với những thuận lợi về vị trí địa lí, khí hậu… Hải Vân Quan luôn là điểm dừng chân lí tưởng của du khách trong và ngoài nước. Đứng trên đỉnh đèo, dõi mắt nhìn bốn phía, chỉ còn ta với mông lung mây trời, sương núi không kém phần lãng mạn so với Đà Lạt, Sa Pa.
Nhiều người cho rằng cần phải trùng tu, tôn tạo để Hải Vân Quan trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thì sẽ nhiều người đến hơn, lợi ích về quảng bá văn hóa cũng như về kinh tế du lịch cũng sẽ được nâng lên. Nhưng tôi lại tin vào điều ngược lại. Giữa cuộc sống đô thị hóa ngày càng bon chen và mất dần đi những vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và bình dị, thì Hải Vân Quan với vẻ đẹp hoang dã thổi vào tâm hồn du khách tạo cảm giác thư thả và bình yên hơn. Hơn ai hết, những du khách nước ngoài hiểu rõ điều đó, họ sợ phong cảnh thiên nhiên bị đóng kín giữa bốn bức tường xi măng khô cứng, rồi cảnh giành giật nhau bán vé, chèo kéo họ mua đồ lưu niệm… như đa số các danh lam thắng cảnh của nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, những bài học xương máu về trùng tu đã làm nhiều di tích lịch sử và danh thắng của chúng ta “một đi không trở lại”. Nhưng không vì thế mà lơi lỏng công tác quản lí, bảo tồn để Hải Vân Quan mãi là một “điểm dừng chân” đáng nhớ của du khách trên con đường thiên lí Bắc- Nam.
Nguồn: nguoicaotuoi