Mù Cang Chải dịu dàng. Mù Cang Chải tự âm thầm hát bài ca của riêng mình… Khách du lịch hãy tới đó và lắng nghe… Để hiểu và cảm nhận vẻ đẹp nơi đây.
Vào tháng 9,10 là mùa gặt Mù Cang Chải. Người ta lên đó ngắm cảnh, chụp ảnh nhiều lắm. Những sườn đồi chỉ toàn màu vàng ươm của lúa chín, lượn vòng theo ruộng bậc thang như những lượt sóng mềm mại. Đẹp mộng mị, mê hoặc, lãng mạn và thanh thoát…
Vẻ đẹp chỉ có riêng nơi này, vùng đất này, góc trời này. Một vẻ đẹp riêng biệt nhưng lại hào phóng dành cho tất cả những ai tới đây. Mù Cang Chải dâng hiến. Mù Cang Chải dịu dàng. Mù Cang Chải tự âm thầm hát bài ca của riêng mình…Hãy tới đó và lắng nghe…
Lao Chải cách huỵên lỵ Mù Cang Chải gần 15 km. Khép nép bên sườn núi, giữa những sóng lùa vàng ruộng bậc thang. Đường đất lổn nhổn khó đi vì chưa có đường bê tông. Mùa mưa thì lầy lội phải biết. Tai nạn cũng chả tránh được.
Dốc, trơn, khấp khuỷu, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu, bên dưới là những ruộng bậc thang. Vì chỉ toàn núi nên ít mặt bằng. Dành hết đất để làm ruộng bậc thang mà người nơi xa đến chỉ thấy vẻ đẹp thoát nhiên giữa núi rừng mà không biết những thân phận, kiếp người phải tập quen sống treo mình bên những vách núi đá.
Trường Tiểu học Lao Chải chỉ có ba dãy nhà. Một dãy nhà xây lợp proximan, còn hai dãy nhà kia làm bằng gỗ mục nát do người H’Mông xây để cho con em mình có chỗ ở và học. Mặt bằng không đủ để có nhà ở, bếp ăn và chỗ vui chơi cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Một cái lán bé xíu, trống hoác có ba chân kiềng để tụi trẻ tự nấu ăn với nhau sau giờ học treo bên vách núi. Lối đi lên chỉ là cái cầu bằng gỗ và những bậc thang đất. Có đứa nấu xong cơm lúc bê xuống trượt chân đổ hết cả chả còn gì mà ăn. Tất cả có 50 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 nhít lít trứng gà, trứng vịt, nhà ở xa trường nên chúng tụ về đây ở và học. Chúng tự hình thành từng nhóm nhỏ 3,4, 5…đứa góp gạo thổi cơm chung.
Bữa cơm là nồi cơm lèn chặt, có độn ngô, sống sít và một nồi mì tôm làm canh lõng bõng nước. Có nhóm thêm món gừng trộn muối. Chả có bát đũa, cứ cầm thìa sục thẳng vào nồi cơm múc lên ăn. Cũng chả đủ nên chúng chuyền nhau cái thìa. Bữa cơm diễn ra ở bất kỳ đâu mà chúng thấy tiện: hè nhà, cạnh bếp, sân…Những đôi mắt ngước nhìn người lạ trong veo, ngượng ngập, miếng ăn bỗng ngập ngừng khó nuốt.
Lứa tuổi ấy ở thành phố biết làm gì nhỉ? Vòi vĩnh, ăn ngon, mặc đẹp mà vẫn còn mè nheo đòi hỏi…Bữa ăn cha mẹ quát nạt bắt ăn cái này, cái kia vì sợ con mình không đủ dinh dưỡng. Nâng như nâng báu vật, hứng như hứng nguồn lộc trời ban. Vì người ta vẫn cứ nói, con cái là lộc của trời mà.
Còn những đứa trẻ ở Lao Chải này có được gọi là lộc trời ban không nhỉ? Chúng phải tự chăm lo bản thân. Sau giờ học tự nấu ăn với những nồi cơm méo mó, đen sì vì muội củi. Tự an ủi cái dạ dày mình bằng bữa cơm trương phềnh, sống sít vì chưa khéo nấu. Chỉ biết đổ gạo, đổ nước vào và đun sôi lên. Có nồi cơm còn không đủ cả hơi nóng để làm cơm chín. Vậy mà chúng vẫn ăn như chả có chuỵên gì. Tay đen sì vì bếp củi lửa nhưng chả thấy đứa nào rửa ráy và cũng chả có ai quát nạt đi rửa tay. Hàng tuần tự vào rừng nhặt củi về đun vào thứ 5 được nghỉ học…
Đám trứng gà, trứng vịt ấy vẫn cứ đùa chạy quanh sân, đứa thì ngồi tựa cửa nhìn người lạ, nhìn trời đất, cũng có đứa chả nhìn gì, như nghĩ ngợi, như chiêm nghiệm điều gì đó…Lạ thế, mình cứ ám ảnh bởi hình ảnh tụi trẻ con vùng cao ngồi tựa cửa nhìn ra ngoài. Dường như bên trong ngôi nhà dù nghèo nàn ấy vẫn là nơi an toàn nhất với chúng.
Còn ngoài kia…Ngoài kia là gì? Chắc chúng chưa bao giờ biết. Vì thế chúng chưa bao giờ biết thế nào là sung sướng, hạnh phúc? Và chắc chúng chưa bao giờ biết chúng khổ như thế nào…Bao nhiêu đời rồi những thế hệ đã nhận từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ của hồi môn nỗi khổ sở, đói nghèo như thế này?
Các cô giáo ở Lao Chải và Nậm Khắt (Yên Bái) đều bảo, nếu bữa cơm mà có thêm miếng thịt thì chắc là nhiều đứa trẻ sẽ lại đến trường học chữ.
Ở đây phụ huynh không phải “chạy” trường, mà nhà trường và giáo viên “chạy” học sinh…Nhưng họ chả biết “chạy” để có học sinh đến trường và được dạy dỗ bằng cách nào khi miếng ăn còn chưa ấm bụng? Giờ như có một cái phao nhỏ bấu víu: miếng thịt vào mỗi bữa ăn.
Bạn nhớ nhé, chỉ cần có miếng thịt vào bữa ăn, có thể sẽ có nhiều trẻ vùng cao đến trường. Một miếng thịt nhỏ bé mà có thể bạn phải nài nỉ con cái, cháu chắt bạn ăn như là sự tra tấn. Một miếng thịt mà con cái, cháu chắt bạn ăn rồi nhè ra như ăn cái gì gớm giếc lắm…
Đó là sự thật, một sự thật đau xót trên mảnh đất này. Và ngay tại nơi được gọi là “Danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải”.
Nguồn: Bee