Bản Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) được biết đến như một điểm du lịch văn hoá cộng đồng hấp dẫn. Không gian yên bình ở Giang Mỗ khiến nơi đây trở thành chốn dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tạm lánh không khí ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị.
Từ TP. Hà Nội, theo quốc lộ 6 khoảng 86km, du khách sẽ tới địa phận xã Bình Thanh. Con đường Tây Tiến chạy dọc xã sẽ dẫn du khách tới bản Giang Mỗ nằm nép mình dưới bạt ngàn núi rừng, ruộng nương.
Bản Giang Mỗ có hơn 100 hộ dân đều là người dân tộc Mường, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản chính là những nếp nhà sàn cổ kiểu con rùa (nhà rùa). Theo truyền thuyết, thủa xưa, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van xin vị Lang đừng giết, đổi lại rùa sẽ mách bảo cách làm nhà sàn để ở. Rùa nói: “Bốn chân tôi là bốn cột, hai mai tôi là hai mái nhà, xương sống tôi là đòn nóc, chặt cây lim làm cột, lạt buộc bằng cây giang, cỏ gianh dùng để lợp mái”. Câu chuyện này được coi là nguồn gốc sự ra đời của nhà sàn người Mường.
Nhà sàn gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân bản Mường, được dựng ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà gồm 3 tầng, trong đó tầng (gác) trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) thường để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm. Kiến trúc nhà sàn có thể lớn, nhỏ khác nhau nhưng cửa chính, cầu thang, máng nước sinh hoạt và cối đuống thì phải đặt đúng vị trí. Cửa chính được dựng ở phía trước của ngôi nhà. Cầu thang phải có số bậc lẻ và không được đặt thẳng với cửa chính mà phải dựng vào một cái sảnh gỗ và vuông góc với đòn nóc của nhà. Máng nước sinh hoạt được đặt ở bên trái sàn nhà và cối đuống đặt ở đầu hồi nhà.
Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, người Mường ở đây vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ được làm từ gỗ, tre hoặc nứa như: khung dệt vải, cung, nỏ, dụng cụ làm nương rẫy… hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày.
Đến với Giang Mỗ, du khách có thể dạo bước trên con đường nhỏ chạy dọc bản để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, xanh ngát một màu của cảnh vật nơi đây; dừng chân tại bất kỳ ngôi nhà sàn nào để tìm hiểu về văn hóa bản Mường, nghe gia chủ thổi sáo ôi, chơi đàn bầu bên vò rượu cần thơm nức; trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày cùng dân bản như: chăm sóc gia súc, gia cầm, làm rẫy, săn bắn, hái lượm…; xem dân bản biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc Mường cổ trong âm thanh của tiếng chiêng, trống, sáo ôi, đàn bầu…; nghe các thiếu nữ Mường giới thiệu về nghề dệt và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống như: quần, áo, túi xách, khăn…; thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như: xôi nếp nương, xôi cẩm, thịt lợn luộc bày trên lá chuối, cá suối đồ cùng rượu cần…
Người Mường ở Giang Mỗ với bản sắc văn hóa riêng biệt, lòng hiếu khách và nụ cười thân thiện sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên. Phát triển du lịch cộng đồng ở Giang Mỗ ngoài việc tạo việc làm, nâng cao đời sống cho dân bản còn góp phần bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường Hòa Bình, thu hút một lượng lớn khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến tham quan mỗi năm.
Nguồn: TTTTDL