Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; tiến tới xây dựng cây hoa tam giác mạch trở thành thương hiệu du lịch của vùng cao nguyên đá nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Chương trình khai mạc lễ hội mang chủ đề “Cao nguyên đá – ngàn hoa khoe sắc” sẽ diễn ra vào tối 13/11 tại thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc tái hiện lại truyền thuyết về sự hình thành loài hoa tam giác mạch.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: đêm hội rượu hoa tam giác mạch với chủ đề “Men tình cao nguyên đá”; không gian trưng bày hoa và các sản phẩm từ hoa tam giác mạch; thi triển lãm ảnh đẹp về hoa tam giác mạch với chủ đề “Hoang sơ xứ sở hoa tam giác mạch”…
Đến Hà Giang tham dự lễ hội Hoa tam giác mạch, du khách không chỉ có cơ hội tham quan Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn với những giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, sinh thái, văn hóa và khảo cổ mà còn có cơ hội ngắm nhìn những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài như bất tận. Từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, vòng theo một trong “tứ đại đỉnh đèo” Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc, hoa tam giác mạch tưng bừng nở rộ xen giữa những ngọn núi tai mèo sừng sững, đan thành thảm trên những cánh đồng hay thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ, chắc hẳn sẽ để lại cho du khách những khoảnh khắc không thể nào quên.
Tương truyền, xưa kia, người dân khu vực miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng lúa và ngô. Một năm nọ, khi lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa vẫn chưa tới, cả bản làng đi khắp ngóc ngách vẫn không tìm được cái ăn. Vào một ngày kia, bỗng nhiên, dân bản thấy thoang thoảng mùi hương lạ trong gió, lần theo khe núi thì bắt gặp một rừng hoa li ti trải dài qua các sườn núi bèn đem hạt của cây này về ăn thay ngô, gạo. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ một hạt mạch ở giữa, những chiếc lá cũng có hình tam giác nên được gọi là tam giác mạch.
Tam giác mạch hay còn được gọi là kiều mạch, mọc thành chùm, thường nở rộ trong khoảng 1 tháng (cuối tháng 10, đầu tháng 11). Khi mới nở, hoa có màu trắng li ti, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Người dân địa phương thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với ngô để nấu rượu tạo nên hương vị rượu ngô rất đặc trưng. Lá tam giác mạch non được dùng như một loại rau xanh, khi luộc lên ăn ngọt và mát. Thân cây còn có thể làm thức ăn cho gia súc. |
Nguồn: TITC