Nằm cách khu phố cổ Hội An chừng 5km về phía Đông, làng nghề tranh dừa ẩn mình trong màu xanh bạt ngàn của rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam).
Vào làng, du khách thích thú với những tàu dừa phơi dọc hai bên đường như những tấm thảm trong ráng chiều – Ảnh: T.Ly |
Từng một thời che chở hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, ngày nay chính rừng dừa ấy lại góp phần tạo nên làng nghề nổi tiếng, một điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước.
Làng nghề truyền thống
Đặt chân đến đây, ấn tượng đầu tiên để lại trong lòng du khách chính là sự bình yên. Không ồn ào, xô bồ so với một số làng nghề truyền thống khác, làng làm tranh dừa Cẩm Thanh nằm tách biệt như một bán đảo, tứ bề sông rạch chằng chịt, nhà cách nhà bởi những vạt dừa bốn mùa xanh um.
Đường vào làng uốn mình theo những nếp nhà tranh. Hai bên lối đi, những tàu dừa trải nằm dài như những tấm thảm trong ráng chiều. Đôi ba em bé chân trần an nhiên đạp xe dưới bóng mát tán dừa.
Đi sâu vào làng, từ phía những khoảnh đất trống ở mỗi dãy nhà hay ngay khu vực trung tâm làng, du khách sẽ dễ dàng nhận ra bên trong cái thanh bình có phần tĩnh lặng ấy là một làng nghề truyền thống lâu đời với những người thợ đang miệt mài từng công đoạn để cho cho ra đời một bức tranh dừa tuyệt đẹp với nét đặc trưng riêng.
Rừng dừa Bảy Mẫu – nguồn nguyên liệu dồi dào đã sinh ra và nuôi sống làng nghề tranh dừa – Ảnh: T.Ly |
Làng nghề nằm tách biệt như một bán đảo, tứ bề sông rạch chằng chịt – Ảnh: T.Ly |
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm tranh dừa Cẩm Thanh được hình thành cách đây hơn 200 năm, theo dấu chân của những lái buôn ghe bầu từ Nam bộ đến.
Thuở ban đầu, cư dân đan dừa chỉ với mục đích làm tranh che nắng, che mưa. Dần dần, do nhu cầu làm nhà, nhiều gia đình đã bén duyên với nghề. Một thời, tranh dừa của làng theo những chuyến thuyền đi khắp miền đất nước.
Trải qua năm tháng tồn tại và phát triển, nghề truyền thống này cũng có lúc tưởng như lụi tàn, mai một do sự phát triển của nhiều vật liệu xây dựng mới với giá rẻ, bền ra đời thay thế dần vật liệu làm nhà bằng tranh dừa.
Nhưng những năm gần đây, nhu cầu khôi phục, xây dựng mới các ngôi nhà truyền thống, hàng quán, hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu tranh dừa ngày càng nhiều, nhờ đó nghề truyền thống tranh dừa nước ở Cẩm Thanh đã có cơ hội khôi phục lại và phát triển.
Giữ niềm đam mê cho nghề
Tuy thực hiện các công đoạn bằng thủ công nhưng tranh dừa Cẩm Thanh luôn được thị trường trong Nam, ngoài Bắc đều ưa chuộng. Bên cạnh lý do người thợ nhiều kinh nghiệm lại rất thành thạo về kỹ thuật thì một nguyên nhân chính nữa đó là lòng yêu nghề.
Tình yêu ấy được truyền cho cả thế hệ tương lai của làng.
Các công trình lợp tranh dừa vừa dân dã, vừa mát mẻ giúp du khách quên hết mệt mỏi mỗi khi đến thăm làng nghề tranh dừa Cẩm Thanh – Ảnh: T.Ly |
Trẻ con trong làng sinh ra đã nằm bên tấm tranh dừa để mẹ yên lòng miệt mài công việc. Lớn thêm vài tuổi đã biết phụ gia đình tước dừa, phơi dừa. Và đến khoảng 13, 14 tuổi nhiều em đã thành thạo nghề.
Nghề làm tranh dừa không chỉ là kế sinh nhai mà còn giúp người dân nơi đây giàu lên. Mỗi tấm tranh dừa có giá trên dưới 100.000 đồng/tấm, tùy độ rộng, hẹp.
Mùa mưa bão, khi những mái tranh dừa bị gió thổi bạt, thì đơn đặt hàng đến với làng dừa càng tới tấp, hàng bán chạy không kịp sản xuất để bán.
Điểm đến du lịch
Sự tồn tại song song của nghề làm tranh dừa cùng với hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh đã tạo nên một không gian văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan, thưởng lãm.
Đặc biệt, du khách đến với làng nghề bất kỳ thời điểm nào (trừ những ngày lũ lụt, nước sông dâng cao, làng phải ngưng nghề) đều có thể tận mắt chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia, học hỏi từng công đoạn làm tranh dừa.
Để cho ra đời những bức tranh dừa tuyệt đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nặng nhọc nhất là khâu đốn dừa.
Hằng năm, thợ làm tranh dừa tiến hành khai thác tàu dừa vào những ngày giêng hai. Thợ đốn tất cả các tàu dừa già, chừa lại các nhánh non để nuôi tàu dừa con phát triển cho mùa sau. Dừa mang về sau khi tiến hành xé sẽ được mang đi phơi.
Người thợ dùng nẹp tre nẹp những mảnh lá lên nhau, độ thưa dày tùy theo mức giá và yêu cầu của khách – Ảnh: T.Ly |
Thường người ta phơi dừa ở những khoảnh đất bằng phẳng để dừa không bị gãy, phơi khoảng mươi lăm nắng giòn đến khi khô trắng mới mang vào làm tranh. Tuy nhiên, người phơi cũng phải canh chừng để dừa không được quá khô gây giòn dễ gãy.
Đến công đoạn nứt tranh. Thợ có kinh nghiệm luôn nứt đường giữa trước. Công đoạn tiếp theo là nẹp tranh. Người thợ phải cứng tay, dùng nẹp tre nẹp những mảnh lá lên nhau, độ thưa dày tùy theo mức giá và yêu cầu của khách.
Các nẹp tre được lấy từ những cây tre suôn dài nhất, ngâm nước chừng một năm để bảo đảm độ dẻo dai, cứng cáp, không bị mối mọt.
Du khách dạo chơi sông nước và tham quan làng tranh dừa Cẩm Thanh – Ảnh: T.Ly |
Công đoạn khá quan trọng nữa là lụi tranh. Lụi tranh đòi hỏi tay thợ kỹ thuật cao. Người thợ luồng kết dây sao cho thật khéo léo để giữ tấm tranh thẳng, đều. Công đoạn này quyết định hình thức tranh dừa đẹp hay xấu.
Cuối cùng để tranh dừa trông đẹp hơn, người thợ phải tỉ mỉ chặt phía đầu tranh cho đều.
Tất cả các quy trình làm tranh dừa trên hoàn toàn bằng thủ công, nên khi đến với làng, khách như tìm được một kho tư liệu sống.
Và tin chắc rằng, một ngày đến với Cẩm Thanh, du khách sẽ mến phục và luôn nhớ về đôi bàn tay khéo léo của những con người nơi rừng dừa Bảy Mẫu.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ