Đi dã ngoại gia đình hoặc nhóm gia đình bằng xe riêng đang trở thành một xu thế được nhiều người yêu thích. Một vài kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có chuyến đi thành công.
Nếu cân đối lịch trình tốt và sắp xếp khéo, mọi thứ sẽ trở nên cần thiết, có ý nghĩa, đầy đủ và hợp lý cho một chuyến dã ngoại – Ảnh: Băng Giang |
1. Lập lịch trình di chuyển hợp lý:
– Tùy thuộc vào đối tượng du lịch mà quyết định về lộ trình. Nếu có trẻ em tham gia chuyến đi thì các điểm ăn nghỉ phải thu xếp phù hợp, không đi quãng đường quá dài, không nên di chuyển khi trời tối, không quá tham nhiều điểm đến trong ngày.
– Di chuyển 200-300 km/ngày là một lộ trình khá hoàn hảo, tuy nhiên nếu đi đường đèo, núi, chất lượng giao thông chưa tốt thì nên giảm khoảng cách giữa hai điểm đầu – cuối trong ngày.
– Sử dụng bản đồ giấy hoặc bản đồ kỹ thuật số (tích hợp trên điện thoại, máy tính bảng) trong chuyến đi nếu cần.
2. Chuẩn bị xe cộ:
– Nếu đi xe riêng, nhất thiết phải đưa xe vào gara để kiểm tra và bảo dưỡng trước một chuyến dã ngoại để đảm bảo an toàn. Nhất là trong trường hợp di chuyển dài ngày như xuyên Việt, khám phá miền núi, hãy chắc chắn chiếc xe của bạn là một người đồng hành tin cậy.
– Ngoài các dụng cụ cứu hộ khẩn cấp của ôtô luôn kèm theo xe, nhớ chuẩn bị thêm đèn pin, dây thừng, bật lửa, bình cứu hỏa phòng trường hợp có sự cố cần dùng đến.
3. Chuẩn bị ghế ôtô cho trẻ em dưới 5 tuổi:
Ở Việt Nam nhiều bố mẹ chưa có thói quen đặt em bé vào ghế riêng trong ôtô mà hay để ngồi chung với người lớn. Điều này khá bất tiện, gây mệt mỏi cho cả hai phía và thậm chí nguy hiểm.
Chính vì thế, với một chiếc ghế ôtô riêng, em bé sẽ được đeo dây an toàn, có tư thế ngồi ổn định, ngủ ngon. Người lớn đi kèm cũng thoải mái và an tâm khi hoạt động trên xe mà không phải lo trông nom em bé.
4. Phân công công việc hợp lý cho các thành viên trong đoàn, người lái xe sẽ được nghỉ ngơi khi dừng lại chuẩn bị đồ ăn trưa, trẻ em có thể giúp người lớn sắp xếp hay dọn đồ.
– Nếu đi dã ngoại với nhiều gia đình, nhiều xe khác thì cần có sự thống nhất về điểm đến, ăn, nghỉ và phối hợp ăn ý. Liên lạc giữa các xe có thể dùng bộ đàm để tiết kiệm chi phí, tạo không khí giao lưu cho đoàn.
Bạn có thể dừng chân bất cứ nơi nào bạn muốn để khám phá và thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên – Ảnh: V.N.A. |
5. Mang gì khi đi dã ngoại?
– Mang theo một thùng đá đủ lớn để trữ đồ uống, hoa quả, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng.
– Tấm trải, ô/dù, áo mưa.
– Ghế ngồi dùng cho du lịch dã ngoại: loại ghế này có ưu điểm dễ gấp lại gọn gàng, dễ mang vác do trọng lượng nhẹ. Dùng để ngồi ngắm cảnh trên biển hay đèo núi, bất cứ nơi nào bạn muốn dừng chân để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên.
Trong các siêu thị có bán nhiều loại ghế này cho bạn lựa chọn với chi phí khá rẻ, hơn 100.000 đồng trở nên. Loa nghe nhạc nếu bạn yêu thích việc này.
– Lều trại, túi ngủ nếu bạn có kế hoạch cắm trại qua đêm dọc đường.
– Dùng thùng cactông hoặc thùng nhựa để phân loại đồ đạc hay thực phẩm mang theo. Mang theo nước lọc đóng chai, loại 500ml khá tiện dụng cho việc uống và thậm chí nấu nướng.
– Nếu có kế hoạch tự nấu nướng cần chuẩn bị bếp cồn với cồn (khá tiện), bếp gas du lịch (kèm bình gas). Nồi nấu, chảo rán, bát đũa, dao thớt cùng gia vị, thực phẩm ít nhiều tùy theo chương trình.
Không quên mang theo giấy ăn (loại khô và ướt) cùng một vài tấm giẻ, sẽ có lúc cần khi ở giữa rừng hoặc giữa biển mà xung quanh không một bóng người hay hàng quán.
– Thức ăn: Bạn có thể chuẩn bị một ít đồ khô, đồ tươi và rau xanh có thể chủ động mua dọc đường, mua trong ngày.
– Túi đựng rác: Đừng quên thu dọn toàn bộ rác thải, đồ bỏ đi sau mỗi lần dừng lại vào túi bóng và bỏ vào đúng nơi quy định, tránh xâm hại môi trường.
Liệt kê có vẻ nhiều, nhưng thực tế nếu bạn cân đối lịch trình tốt và sắp xếp khéo, mọi thứ sẽ trở nên cần thiết, có ý nghĩa, đầy đủ và hợp lý.
Chúc bạn và gia đình có một chuyến dã ngoại thành công.