Phát biểu trước toàn thể hội đồng sau kết quả công nhận, Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bày tỏ niềm vui và tự hào cũng như cam kết triển khai các dự án và kế hoạch quản lý để bảo tồn và phát triển thành công khu dự trữ sinh quyền Lang Biang, theo phương châm của Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới MAB/UNESCO.Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang có diện tích 275.439ha nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực Nam Tây Nguyên và được đặt tên theo ngọn núi Lang Biang.
Nơi đây còn lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên đa dạng hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN (2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Việc Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái mà trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Việc UNESCO công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng.