Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương, nằm bên hữu ngạn của sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
– Phân chia hành chính: được chia làm 9 đơn vị hành chính gồm 5 quận và 4 huyện.
– Địa lý với diện tích: 1.409,0 km²
– Dân số 2011 tổng cộng: 1.200.300 người
– Mật độ: 852 người/km²
Chợ nổi Cái Răng
Ðến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng, thì kể như chưa biết về đất Tây Ðô này”.
Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền (thực tế cũng không thể rao khi tiếng sóng, tiếng máy nổ liên tục, và khó có thể áp mạn với xuồng khác để xem bán hàng gì).
Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khách đi chợ tận tình và chu đáo, ngay cả khi sóng rập rình. Sự độc đáo của chợ nổi đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách nước ngoài, họ quay phim chụp ảnh liên tục, đôi khi thích thú reo lên “ô”, “a” một cách tự nhiên, thú vị.
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Cam-pu-chia và Trung Quốc. Lại cũng có những ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo, nhu yếu phẩm…
Trên miền sông nước của 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ, cái xuồng là phương tiện đi lại chủ yếu của mỗi gia đình, giống như chiếc xe đạp, xe máy của người dân ở các thành phố. Phần lớn các xuồng đều gắn máy “đuôi tôm”, thỉnh thoảng mới gặp những xuồng trèo tay và thậm chí cả những xuồng trèo bằng… chân một cách điệu nghệ.
Chợ nổi Cái Răng là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.
Vườn cò Bằng Lăng
Trên đường từ Cần Thơ về thành phố Long Xuyên (An Giang), qua khỏi thị trấn Thốt Nốt chừng 5km là đến vườn cò Bằng Lăng. Đi dọc theo bờ sông nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng trước một vùng nước trắng mênh mông như biển, đó là ruộng lúa đã gặt xong vào mùa nước nổi. Khách du lịch đến thăm vườn cò sẽ được thấy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc) chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn…
Trong vườn còn có một cái tum dựng chìa ra bờ ruộng, làm bằng tre, cao chừng 3m, thoạt trông như một khán đài mà từ đó khách du lịch có thể dõi nhìn khắp vườn cò, tìm hiểu cảnh sinh hoạt của đàn cò đông đúc giữa vùng đồng quê thanh bình của đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch vườn Cần Thơ Vườn du lịch Mỹ Khánh, vườn nhà ông Sáu Dương, vườn lan Bình Thuỷ, vườn vòng cung, trên các tuyến sông Phong Ðiền, Phụng Hiệp và nhiều vườn du lịch gia đình khác ở Ô Môn, Thốt Nốt đang phát triển.
Từ Tp. Cần Thơ du khách theo quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng, qua cầu Ðầu Sáu, đến gần cầu Cái Răng rẽ phải khoảng 6km là đến vườn du lịch Mỹ Khánh. Vườn Mỹ Khánh rộng 2,2ha với hơn 20 loại cây trái, hoa kiểng và nhiều loại động vật như chim các rùa, rắn, cua, tôm …
Du khách đi dạo trong vườn hít thở không khí trong lành mát mẻ và được nếm các loại trái cây chín và những món ăn đặc sản miệt vườn. Dưới bóng cây xanh thấp thoáng ẩn hiện những ngôi nhà rông nhỏ xinh là nơi khách nghỉ đêm.
Khu du lịch Ba Láng ở cách Tp. Cần Thơ 9km (trên quốc lộ 1A theo hướng Sóc Trăng, qua cầu Cái Răng) rộng 4,2ha. Nơi đây có hồ ao sen nuôi động vật, 2 hồ tắm dành cho người lớn và trẻ em, có sân khấu ngoài trời, chuồng thú, khách sạn mini. Những miệt vườn ở đây được kết hợp loại hình kinh tế vườn và du lịch đã làm phong phú thêm tuyến du lịch miền sông nước Cửu Long.
Nhà cổ Bình Thủy
Kiến trúc nhà kiểu Pháp với nền nhà cao hơn mặt sân 1m; có bốn bậc thanh hình cánh cung tao nhã, nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao, trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt khá đơn giản giúp nhà thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi… Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ – đen lát nền nhà với hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và trở từ Pháp sang. Ðây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân ÐBSCL.
Ðể hội nhập với thiên nhiên, nhà luôn gắn với vườn (vườn chiếm hơn 6.000/8.000m² toàn khuôn viên), rộng bề ngang nhưng không sâu. Hầu hết tiền sảnh để tiếp khách mà không chia thành các phòng nhỏ, có hai cửa hậu thông ra phía sau, sân rộng lát gạch Tầu có đủ hòn non bộ, chậu kiểng, cổng tam quan, khu nuôi thú…
Ngày xưa, người ta xử lý chống mối và giữ độ lạnh trong nhà rất độc đáo, bằng cách rải đều dưới nền hơn 10cm muối hột, không dùng xi măng để xây mà dùng keo o dước, toàn bộ hệ thống vì kèo bao lơn cùng 16 cây cột lớn đường kính 180cm – cao từ 4m đến 6m được nối kết không phải bằng đinh mà bằng mộng – ngoàm; luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu, có trước có sau được gia chủ đặc biệt chú ý. Giữa tiền sảnh, nơi trang trọng nhất dùng để bàn thờ, khán thờ tổ tiên ông bà cùng cặp liễn nên nhũ chữ nổi, sau đó là giường thờ, tủ chè, sập gụ, trường kỷ, cặp thành vọng cao hơn 3m… Tất cả đều do bàn tay của các nghệ nhân Bắc – Trung – Nam tạo ra với kích thước lớn bằng gỗ quý được phủ sơn son thiếp vàng hoặc cần xà cừ, chạm khắc rất tinh tế theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc: Tam Ða – Tứ Quý, Mai – Lan – Cúc – Trúc, Phúc – Lộc – Thọ, Long – Lân – Quy – Phượng…
Ðặc biệt, ngôi nhà cổ còn chứa trong nó một “kho đồ cổ” quý giá được gìn giữ từ bao đời nay như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam – Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis 15 mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng TK18, cặp đèn treo TK19… Thú chơi đồ cổ của gia đình họ Dương đất Bình Thuỷ đã lẫy lừng “lục tỉnh”. Vào thập niên 70, chỉ cần bỏ ra 2-3 cây vàng mua được căn nhà lầu giữa phố chợ thì có người trả cho bình thượng ngọc men xanh cao 1,2m những 25 cây vàng, sau khi đã trừ hàng chục cây vì ai đó đã giát vàng quanh miệng bình làm ảnh hưởng đến lớp men!. Ly kỳ hơn là chuyện mua ngà voi trên Sài Gòn những năm 40 rồi vua muối đất Bạc Liêu Trần Trinh Trạch đòi nhượng lại với giá “bao nhiêu cũng được” nhưng họ Dương không chịu bán mà rước về Bình Thuỷ… coi chơi.
Trải trên thế kỷ với bao giông tố thiên nhiên cũng như các cuộc chiến đằng đẵng 30 năm khói lửa, kỳ lạ thay mà cũng may mắn thay ngôi nhà vẫn sừng sững giữa vùng trời đất “địa linh nhân kiệt” cổ nhân Cần Thơ: Long Tuyền – Bình Thuỷ. Ðến nay, ngôi nhà vẫn luôn làm nao lòng biết bao du khách thăm quan: tuổi trẻ như thấy được tiền nhân, tuổi già hoài niệm được quá khứ, kẻ tha phương xa xứ thấy được tiếng vọng của gốc rễ cội nguồn, bè bạn xa thêm hiểu được lịch sử, văn hoá dân tộc!.
Cảnh vật đó cùng chất nghệ sỹ và tấm lòng phóng khoáng cởi mở hiếu khách “rặt” Nam Bộ cũng như sự hiểu biết thông tỏ miệt đất này của chủ nhân mà ngôi nhà đã trở thành một địa điểm du lịch văn hoá quen thuộc đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm mỗi năm. Chủ nhân nhà cổ Bình Thuỷ hiện nay là ông Dương Minh Hiển một cựu chiến binh đã ngoài 60 tuổi. Nhà cổ Bình Thuỷ cũng là nơi có duyên với “nghệ thuật thứ bẩy” nhất bởi đã lọt vào khuôn hình của hàng chục bộ phim trong nước và bộ phim nổi tiếng “Người tình” của đạo diễn Pháp JJ.Annaud cũng được quay hơn một tuần ở đây. Vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà đã khiến ông đạo diễn khó tính này thật sự sừng sốt và khẳng định chính ngoại cảnh nội thất của ngôi nhà sẽ nâng thêm giá trị cho bộ phim. Sau này, đạo diễn JJ.Annaud tâm sự: những ngày ở tại nhà cổ Bình Thuỷ là ngày rất đẹp trong cuộc đời làm phim của ông.
Chùa Nam Nhã
Trước đây, Chùa Nam Nhã là tiệm thuốc bắc Nam Nhã Đường và là nơi liên lạc, hội họp của các phong trào đấu tranh chống Pháp. Chùa Nam Nhã là nơi hoạt động của những sĩ phu yêu nước trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội. Năm 1917, chùa được trùng tu. Sân chùa rộng rãi trồng nhiều cây, giữa sân là hòn non bộ cao hơn 2m.
Trong chính điện có bàn thờ sư cụ Giác Nguyên, Lịch Đại Tổ sư, ban thờ Tam giáo với ba pho tượng bằng đồng là tượng Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử và tượng Lão Tử. Hai bên chính điện là hai ngôi nhà 5 gian dành cho phái nam và phái nữ ở. Phía sau là khu vườn mộ, nơi yên nghỉ của những người tham gia phong trào Đông Du và xây dựng chùa.
Ngày nay, khách du lịch đến đây không chỉ thưởng thức vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của chùa, mà đến đây họ còn tìm hiểu những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước phong trào Đông Du, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ trong những năm đầu khó khăn gian khổ của cách mạng Việt Nam.
Chùa Ông
Chùa Ông có lối kiến trúc độc đáo được giữ gìn gần như nguyên vẹn từ thuở ban đầu.
Chùa được xây dựng năm 1894 – 1896 trên một khu đất có diện tích chừng 532m². Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng những hàng ngói ống men xanh thẫm, trên bờ nóc có vô số hình nhân đủ màu bằng gốm sứ, lưỡng long chầu nguyệt, cá hoá long, chim phụng. ở hai đầu đao là hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng. Trong chùa thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc, tấm gương về lòng trung hiếu tiết nghĩa và các vị Quan Âm Nam Hải, Thái Bạch tinh quân, Thổ Địa, Đổng Vĩnh…
Nguồn sưu tầm Internet