Bắc Ninh là một tỉnh Việt Nam thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng và tiếp giáp với vùng trung du Bắc bộ tại tỉnh Bắc Giang.
– Phân chia hành chính: bao gồm 01 thành phố, 1 thị xã và 06 huyện.
– Diện tích địa lý: 822,7 km²
– Dân số 2011 tổng cộng: 1.060.300 người
– Mật độ: 1.289 người/km²
Làng Đình Bảng
Theo chiều dài lịch sử, Đình Bảng là một làng trù phú, kinh tế văn hoá phát triển, thuận lợi giao thông thủy và bộ. Nằm ở vị trí tiếp giáp, nối liền miền đồi núi đông bắc với đồng bằng phía nam cho nên Đình Bảng là nơi hội tụ và đón nhận ảnh hưởng của cả phương bắc, phương nam, phía đông và phía tây.
Bước chân vào làng Đình Bảng, ta như vào một đô thị sầm uất, nhộn nhịp nhưng vẫn thấy cái riêng của một làng quê có truyền thống lịch sử và văn hoá. Mỗi tên xóm, tên thôn, tên đất đều mang một dấu ấn lịch sử. Đình Bảng là đặc trưng tiêu biểu của làng xã Việt Nam vừa mang đậm tính dân tộc, vừa có vóc dáng của làng xã văn minh hiện đại.
Chùa Dâu
Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ 4, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.
Chùa được ông Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ tiếp theo. Hiện nay ở sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh.
(1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18. Ngoài ra, còn có tượng Bà Pháp Vân, tượng Kim Ðồng và Ngọc Nữ.
Chùa Bút Tháp
Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến chùa Bút Tháp. Ðây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó.
Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là “Ninh Phúc Thiền Tự” được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện – gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc.
Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá…
Ðáng chú ý là những chim, hươu, khỉ, rồng,… đều rất sinh động, thần tình. Bên trong có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Những cái tên, những kiểu kiến trúc gợi nên một vẻ hoang sơ độc đáo mà hấp dẫn, một nét đẹp rêu phong cổ kính. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ. Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung.
Nối giữa Thượng điện và Tích thiện là chiếc cầu đá cong mà ngồi ở đó, ta có thế ngắm những nét đẹp riêng của cảnh chùa. Cầu được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà. Ðấy là chưa kể đến một công trình nghệ thuật độc đáo của chùa: toà “Cửu phẩm Liên Hoa”. Toà bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh. Ðiều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ!.
Ðến với chùa là đến với một điểm du lịch mang tính nhân văn cao. Trong chùa, có nhiều cổ vật quý, nhiều tháp to, nhỏ rất đẹp là nơi đặt xá lị của các thiền sư xưa. Tháp Báo Nghiêm, trên đỉnh có hình nậm rượu, 5 tầng, 8 mặt, cao 13m, là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết; tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.
Đình làng Đình bảng
Là quê hương của Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010).
Đình Bảng có cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, đền, chùa, lăng, tẩm,… đặc trưng của một văn hóa làng Việt Nam.
Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của của quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng và bà vợ rất đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng, xây dựng ngôi đình có thế trường tồn. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).
Toà Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m, chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng và những cột lim hiếm thấy ở những ngôi đình khác. Có khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55 – 0,65m.
Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức Bát mã quần phi, tám con ngựa nhởn nhơ chơi trên đồng cỏ, đất nước thanh bình, con vật cũng vui. Bức lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên… từng bức, từng bức gợi tả bao điều.
Làng tranh Đông Hồ
Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.
Ðông Hồ – một cái tên làng quen thuộc, xinh xắn, nằm bên bờ sông Ðuống, từ lâu, đã đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc.
Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.
Giấy dùng in tranh là loại giấy gió mịn mặt. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Ðông Hồ.
Ý hài hoà một cách tự nhiên. Các màu đã hoà quyện in tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó; màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp…Những năm gần đây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hoá chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu sắc nét như tranh làm truyền thống. Ðã thế, chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc bị phai nhạt.
Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.
Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội hoạ, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.
Đền Đô
Là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210) và Lý Huệ Tông (1210 – 1224).
Đền Đô – còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.
Đền được dựng trên nền đất. Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt, đền được mở rộng nhất vào thế kỷ 17 (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.
Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của nhân dân Đình Bảng và tấm lòng công đức của nhân dân thập phương, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m²), nhà chuyền Bồng (80m²), nhà Kiệu (130m²), nhà để Ngựa (130m²), Thuỷ đình, Phương đình…
Căn cứ vào các dấu tích, các nguồn tài liệu và các hạng mục công trình đã được dựng lại cho phép chúng ta hình dung tổng thể kiến trúc di tích đền Đô như sau:
Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình… Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.
Khu vực nội thành có diện tích 4.320m² , bố trí theo kiểu “Nội công ngoại quốc” bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.
Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- Nơi đặt ngai và bài vị thờ Tám vị vua Nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu,… tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo.
Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (đền thờ Lý Chiêu Hoàng)
Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca:
“ Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”
Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Chùa được hoàn chỉnh vào triều Lý Thánh Tông (1057) và tu bổ khang trang vào năm 1686. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp báu và đúc pho tượng Phật mình vàng.
Chùa được xây dựng đại qui mô vào thế kỷ thứ 17. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được xây dựng dần theo qui mô kiến trúc cổ.
Hiện tại di vật của chùa còn lại là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá, ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là cao 3m). Chân cột chùa chạm trổ hoa sen và dàn nhạc, các nghệ nhân chơi sáo, tiêu, nhị, đàn tranh, đàn bầu, trống cơm,…
Nguồn sưu tầm Internet