Khi mà người thành phố dùng miếng ni-lông mong mỏng, bên trong lót một mẩu giấy báo cũ để bọc xôi thì hình ảnh nắm xôi đựng trong chiếc lá chuối cuộn tròn trở nên thi vị và gợi nhớ hơn với nhiều thực khách.
Trong xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa nông thôn dần phai nhạt, vì vậy, mỗi khi bắt gặp hình ảnh chiếc lá chuối trong một món ăn nào đó, những hoài niệm về một miền quê mộc mạc và dân dã tự dưng trỗi dậy.
Tại Hà Nội hay Sài Gòn cũng như nhiều đô thị trong cả nước, từ lâu rồi, người ta ít khi được thấy hình ảnh chiếc lá chuối. Bởi vì, người ta trồng chuối để làm gì trong thời buổi mỗi tấc đất là một tấc vàng. Vì thế mà người dân đang sinh sống tại đô thị, nhất là những người có một thời thơ ấu ở miền quê, đôi khi chợt nhớ… chiếc lá chuối mộc mạc và cũng nhằm giữ lại hình ảnh dân dã dễ thương.
Món xôi mặn thơm ngon được tạo nên từ hương vị kết hợp của độ dẻo của xôi nếp lẫn với vị béo của mỡ hành phảng phất mùi thơm của hành phi, trong đó còn có mùi vị của chả lụa, lạp xưởng, jambong, tép, đậu phộng. Khi thưởng thức món xôi bắp thực khách sẽ phát hiện ra từng hột bắp no tròn ngọt lịm được nấu cùng với xôi nếp. Đi kèm theo còn có đậu xanh, hành phi và đường cát trắng ngọt thanh.
Cả hai món này điều ngon, tuy nhiên, mùi vị nó không quá nổi bật nếu so với những quầy bán xôi mặn hay xôi bắp ngọt trên vỉa hè vào mỗi buổi sáng. Nhưng chiếc lá chuối bao bọc bên ngoài chính là điểm cốt lõi khiến cho món ăn có hồn hơn so với nhiều nơi khác. Nó cho thực khách cảm giác trân trọng điều gì đó rất mộc mạc, rất nhà quê nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ. Hay nhìn dưới một góc độ khác, chiếc lá chuối giữ lại những giá trị xưa cũ đang có nguy cơ biến mất khỏi đời sống thị dân thời công nghiệp hóa.
Nguồn dulichvn.org.vn