Mùa thu về là lúc mọi người có cơ hội nhấm nháp chút cốm thơm, ra chợ mua những trái hồng, trái bưởi căng mọng và làm món chả rươi để bữa tối quây quần.
Tháng tám, miền bắc bước vào mùa thu trong trẻo với khí trời thanh mát, dễ chịu. Khách đi bất cứ đâu cũng được chiêm ngưỡng những khung cảnh lãng mạn của mùa thu và đặc biệt hơn là thưởng thức những món ngon mà chỉ mùa thu mới có. Dưới đây là những món ăn mà khách du lịch không nên bỏ qua trong những ngày thu tháng tám nắng đẹp này.
1. Bánh Trung thu
Mùa thu là mùa của Tết thiếu nhi, do vậy không có gì khó hiểu khi món bánh nướng, bánh dẻo lại là gợi ý đầu tiên cho món ngon mùa này. Được làm từ bột mì với bánh nướng, bột gạo nếp đã làm chín với bánh dẻo, bánh Trung thu là sự kết hợp đầy tinh tế của nhiều loại nguyên liệu khác nhau để tạo ra vị ngon đặc trưng.
Trước đây bánh nướng, bánh dẻo chỉ có một loại nhân duy nhất là thập cẩm gồm mỡ xay, hạt bí, lạp xưởng,… Nhưng để đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú hơn của người tiêu dùng mà ngày nay, bánh được bổ sung thêm nhiều loại khác nhau như đậu xanh trứng, xá xíu, hạt sen,… Trong những ngày cận kề Tết thiếu nhi này, bạn dễ dàng tìm mua thưởng thức để cảm nhận vị mùa thu trong từng chiếc bánh.
2. Cốm
Khi mùa thu về trên từng con phố Hà Nội, ấy cũng là lúc người ta nhắc về món cốm thơm dịu và nhẹ nhàng. Hà Nội có nhiều nơi làm cốm ngon nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng Vòng. Cốm được làm từ những hạt lúa nếp cái hoa vàng khi còn xanh, bên trong căng đầy dòng sữa tươi mới còn chưa đông lại làm cây lúa trĩu bông. Trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ như rang, giã, những hạt cốm ngon mới được gói vào lá sen xanh để đưa tới tay mỗi người.
Cốm xanh dẻo thơm mùi lúa mới và phảng phất hương sen được ăn cùng chuối tiêu hoặc chế biến thành nhiều món ngon khác như chả cốm, chè cốm, bánh cốm,.. Tuy nhiên, dù được biến tấu thành bất kỳ món ăn nào thì cốm vẫn mang lại cho người ăn những dư vị quen thuộc của ruộng đồng tháng tám.
3. Hồng
Mùa thu, quả hồng chín đỏ trên cành được mang về những khu chợ, siêu thị bày bán. Ngoài hồng đỏ, là những trái hồng ngâm được nhiều người yêu thích. Đây là những trái hồng già nhưng còn xanh sau đó ngâm vào chậu nước vôi trong, để khoảng ba đến năm ngày, khi thấy vỏ ngoài ửng vàng là được. Những trái hồng bắt đầu xuất hiện nhiều khi lễ Trung thu đến gần. Ngày này các bà, các mẹ thường mua những trái hồng còn xanh, ánh vàng xếp cùng hồng đỏ bóng vỏ ngoài đẹp mắt về bày ban thờ hay chia vài ba trái cho trẻ nhỏ ăn chơi.
4. Bưởi
Không phải là loại quả lạ vì bưởi bây giờ được bày bán quanh năm nhưng những trái bưởi mùa thu lại được nhiều người yêu thích nhất. Bưởi mùa thu có vị chua, ngọt hấp dẫn, thường gặp nhất trong những ngày quốc tế thiếu nhi. Người lớn mua bưởi tách làm cún bông trưng trong buổi tối Trung thu cho trẻ nhỏ. Bưởi mùa thu, quả nào quả nấy có tép căng mọng khiến tác phẩm trở nên đẹp mắt hơn hẳn, giúp ngày lễ của đám trẻ thêm vui và sôi động.
5. Sấu chín
Nếu như đã quen với trái sấu xanh của mùa hè thì sang mùa thu, mỗi người lại có cơ hội được thưởng thức món quà thật riêng biệt và hấp dẫn là sấu chín. Thông thường, sấu bắt đầu chín rộ vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Lúc này quả sấu trở nên căng tròn, mập mạp và mọng nước hơn hẳn. Khi ấy sấu mua về sẽ được cạo sạch lớp vỏ ngoài và tách khéo léo theo vòng xóay trôn ốc để không bị đứt. Những miếng sấu này có thể đem dầm với đường, muối ớt hoặc chấm muối ăn ngay đều ngon.
6. Chả rươi
Một trong những đặc sản của mùa thu miền bắc được nhiều người mong đợi chính là chả rươi. Đây là món ăn được chế biến từ rươi, một loài sinh vật nước lợ chỉ xuất hiện khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Cách làm món ăn này chỉ cầu kỳ trong lúc sơ chế, tức là lúc làm sạch rươi. Rươi mua về cho vào nước nóng, lấy đũa khuấy đều để lông rươi và những rác bẩn rụng hết, sau đó giội qua nước lạnh cho sạch đất.
Nghe thì đơn giản nhưng đây là khâu vô cùng quan trọng vì nếu không sạch, chả rươi khi làm lên sẽ bị lạo xạo cát, bụi, thậm chí chất đạm và những chất bổ khác cũng sẽ bị trôi theo nước. Sau khi làm sạch, rươi sẽ được cho vào cùng thịt lợn, trứng và đặc biệt là vỏ quýt đánh đều. Nước chấm của món ăn này là nước mắm pha chanh ớt có điểm thêm vài cọng húng thơm hay rau mùi.
7. Dưa mèo
Dưa mèo là một đặc sản của người H’Mông miền Tây Bắc khi thu về, nhìn qua tựa quả dưa chuột nhưng mình dày và to hơn. Dưa mèo có ruột trắng, cùi dày và nhiều hạt, khi ăn có vị giòn giòn, ngọt mát và thanh khiết. Vì được trồng giữa hoang cằn sỏi đá của núi rừng Tây Bắc và không có bất kỳ loại phân bón hay thuốc bảo quản nào mà loại quả này có hương vị tự nhiên, giản dị. Thậm chí nhiều người khi tìm tới Tây Bắc mùa thu cũng đều cố tìm cho được vài ba cân về làm quà hay ăn dần.
Nguồn dulich.vnexpress.net