Thời điểm trời sa mưa, nếu có dịp ra Hòn Tre (Kiên Giang) hoặc đến cồn Tân Quy (huyện Cầu Kè, Trà Vinh), bạn sẽ được thưởng thức món nhộng ve, món ăn “danh bất hư truyền” mà ông cha ta thường gọi là “thời trân” (tức mùa nào thức nấy, chẳng hạn mùa hè cá sông, mùa đông cá biển, chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè…).
Nhộng ve cũng vậy, mỗi năm chỉ xuất hiện một lần vào tháng 4-5. khi đất trời vừa chuyển mùa, theo chu kỳ sinh học, những ấu trùng sau thời gian dài nằm yên dưới lòng đất lại cựa mình chui lên tìm những thân cây, tảng đá lột xác và hóa thân thành ve sầu suốt ngày ngân nga bản trường ca bất tận.Thời điểm này con vật đang trong quá trình lột xác, âm dương chuyển hóa và cân bằng giúp nhộng ve trở thành món ăn vừa ngon vừa bổ.
Theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, ve có vị mặn, ngọt, tính hàn có thể chữa sốt, kinh giật và cảm ho. Ngoài ra, nhộng ve còn là món ăn hấp dẫn vừa giòn, vừa thơm, vừa béo, vừa bùi… Còn với các tay đầu bếp ở Hòn Tre, nhộng ve chưa lột xác ngon hơn con vừa mới chui ra vì lúc đó trong bụng còn mang một bầu sữa căng tròn.
Nhộng ve sau khi làm sạch, cho vào chảo rang với dầu hoặc mỡ rồi cho thêm ít nước mắm hòn, tiêu, tỏi, hành phi và lá chanh xắt nhuyễn. Nhộng ve kho tiêu và chiên giòn vừa là món lai rai vừa là món ăn chính trong các bữa cơm, kèm thêm các loại rau rừng, từng được các tay sành điệu xếp vào loại “quà đặc biệt của đảo”.
Món ve lăn bột chiên càng hấp dẫn. Có người còn dùng nhộng ve để nấu cháo với nước cốt dừa hoặc kho tiêu, xào củ hành vừa béo, bùi vừa cay, mặn, thơm ngon khó tả.
Nếu có dịp thưởng thức món nhộng ve chiên giòn và nhấp thêm chút “nước mắt quê hương”, cảm thấy như đất trời và biển rừng Hòn Tre đều tụ hội về trong món ăn độc nhất vô nhị nầy.
Chất dân gian từ trong các món ăn thức uống ở mỗi miền đều có nét tương đồng, nhưng mỗi nơi còn lưu lại những nét riêng độc đáo, nhất là đối với các miền biển đảo Cà Mau và Kiên Giang.
Nguồn dulichvn.org.vn