Chỉ là thứ bánh kết hợp hài hòa những sản vật “cây nhà, lá vườn” nhưng từ lúc nào không hay, bánh khoai ngào đường lại trở thành một sản phẩm văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Đặc biệt khi những chiếc bánh quê dân dã theo đôi quang gánh các chị, các má miệt vườn vào phố thị.
Khoai, sắn từ xưa đã là thứ lương thực chính của nhiều vùng quê xứ Quảng. Những năm trước thập niên 1980 hầu như các cánh đồng Quảng Nam chỉ làm một, hai vụ lúa. Một vụ gieo và một vụ cấy, thế nên khoai sắn là thứ “tích cốc phòng cơ”.
Gặp khi trời hạn hán hay những đợt gió nam thổi kiệt, củ khoai ngoài vườn không chỉ là thứ dùng để qua bữa mà còn được các bà, các chị trổ tài với những món quà vặt làm đẹp lòng chồng con, hàng xóm như món khoai lang luộc, kha chà, bánh khoai… và cả mẹt bánh khoai ngào đường nóng hổi.
Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi tại Hội An (Quảng Nam) chiếc bánh khoai mộc mạc, bình dân lại trở thành món quà vặt hấp dẫn nhiều khách thập phương.
Lang thang trong các con phố Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Trần Phú… du khách thỉnh thoảng bắt gặp bóng dáng các bà, các chị bán bánh khoai ngào đường cùng với tiếng rao “bánh khoai ngào đường đây”. Mỗi chiếc bánh khoai nhỏ nhắn với giá chỉ 2000 đồng nhưng ai lần đầu thưởng thức sẽ vô cùng ngạc nhiên với hương vị rất riêng.
Nhìn thoáng qua, chiếc bánh khoai trông đã thật hấp dẫn với những hạt mè li ti rải đều trên bề mặt. Mới cắn nhẹ lát khoai đã ngập sâu trong răng, vị bùi bùi của khoai, ngọt ngào của đường, cay nồng của gừng – tất cả như chảy tan nơi đầu lưỡi.
Làm bánh khoai ngào đường không cầu kỳ nhưng để cho ra đời một chiếc bánh ngon không phải chuyện dễ. Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu. Người có kinh nghiệm biết tìm những củ khoai có ruột trắng vàng, trồng nhiều ở các vùng đất cát. Loại khoai này rất bở, khi ngào đường ăn ngọt và bùi.
Chọn những củ tròn đều, không bị thâm, dập hay bị nứt, sứt. Không nên lựa củ to quá rất dễ bị xơ, mà chỉ nên chọn củ cỡ vừa.
Đường dùng để ngào cũng phải là loại đường cát vàng, đủ để khoai có màu hơi vàng hổ phách khi thành phẩm. Gừng như một thứ gia vị không thể thiếu và đó phải là thứ gừng cụ, được chuẩn bị từ lúc mãn mùa gừng, ủ khô trong cát chờ ngày mang ra làm.
Đầu tiên, dùng dao tỉ mẩn gọt mỏng lớp vỏ lụa bên ngoài của khoai thật khéo léo sao cho không ăn sâu vào phần phía trong Tiếp tục cắt lát miếng vuông nhưng phải đủ dày để khi ngào đường, khoai có độ giòn, không gãy, ăn không thấy ngán. Trong quá trình thái khoai nhanh tay cho lát khoai vào bát nước vôi đã khơi trong (loại vôi dùng để ăn trầu) hoặc bát nước muối để khoai không bị thâm.
Khoai ngâm khoảng 5 phút, vớt ra, xả lại nhiều lần với nước lạnh cho sạch, để ráo rồi mới đem trộn đều với lượng đường vừa phải. Nửa giờ sau có thể bắc nồi lên bếp, đun nhỏ lửa.
Trong lúc ngào đường, bỏ một ít nước cốt chanh tươi, gừng giã dập vào nồi. Việc giữ lửa là khâu quan trọng nhất của khoai lang ngào đường. Nếu lửa quá già hay quá non có thể làm cho cả mẻ khoai bị hỏng. Khi đường dẻo dần và bám quanh miếng khoai tiếp tục cho mè rang vào, xóc đến khi khoai khô lại là được.
Người ta có thể bỏ khoai vào mẹt đậy kín hoặc vẫn để nguyên trong nồi nóng hổi và chở đi bán.
Thưởng thức bánh khoai ngào đường khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này bề ngoài của bánh mọng vàng, khách vừa thổi vừa ăn, nghe hương thơm rất đỗi ngọt ngào của khoai sánh quyện với mật đường, như thấy lòng rộn rã hương quê.
Có thể nói những mẹt bánh khoai là một trong những vẻ đẹp cổ kính, là một đặc thù của phố Hội. Mời bạn, hãy tạm xa rời các nhà hàng sang trọng, một lần đến với các gánh hàng rong để tận hưởng cho bằng hết cái thú của người đi du lịch.
Nguồn dulichvn.org.vn