Nằm ở vùng ven biển cực Nam đất nước ta, Cà Mau từng là vùng rừng thiêng nước độc, không người sinh sống. Đến cuối thế kỷ 17, vùng đất này đã được bàn tay con người khai hoang mở cõi, đã trở thành vùng đất trù phú, dồi dào sản vật địa phương mà những vùng đất khác không thể sánh bằng.
Những món ăn của người Cà Mau cũng vì thế mà đặc biệt hơn, thú vị hơn, và đã nếm thử một lần thì khó có thể quên.
Món gỏi nhộng ong U Minh thì đúng là “đệ nhất” món ngon của Cà Mau. Nhộng ong U Minh nhiều và có vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả. Người thợ nhộng ong sau một ngày vất vả gác kèo lấy mật, chiều về thường mang theo một hai phần sáp đầy nhộng ong về.
Tổ nhộng ong nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch, là có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi. Trong đó, món nhộng ong trộn gỏi khá được ưa chuộng vì có thể kết hợp vị ngon bùi của nhộng ong và vị thơm của các loại rau.
Nhộng ong sau khi làm sạch để riêng, phi chảo hành thật thơm rồi cho nhộng ong vào đảo đều, thêm chút gia vị nước mắm ngon, tiêu, chút đường cho đậm đà, rồi để riêng..
Bắp chuối non bào sợi thật mảnh, rửa qua nước loãng pha chút giấm rồi vắt ráo, trộn chung với nhộng ong. Đậu phộng giã nhỏ, chút hẹ và vài cong rau thơm xắt nhỏ, tất cả trộn đều chung, thêm chút nước mắm chua ngọt vào thì đã có một món ăn mà tất cả các vị thơm ngon ngọt béo bùi… hòa quyện.
Chuột đồng chiên sả ớt xứ Cà Mau thì khiến ai đi xa cũng nhớ mãi không thể nào quên. Chuột đồng ở Cà Mau khiến người nông dân đau đầu vì cắn phá mùa màng, nhưng những món ăn chế biến từ chuột đồng lại là những món ăn khoái khẩu mà người Cà Mau vô cùng yêu thích.
Người Cà Mau có thể chế biến chuột đồng thành nhiều món như chuột khìa, thịt chuột sấy khô, chuột chiên… nhưng món chuột chiên sả ớt là món ăn đưa cơm nhất, gây nghiện nhất, khiến nỗi nhớ quê của người đi xa càng thấm đẫm hơn.
Chuột đồng làm sạch để ráo nước, ướp với sả ớt bằm nhuyễn, rồi thêm muối, bột ngọt, nước mắm phải thật ngon, một chút đường cho vị dịu xuống. Đợt một lúc cho gia vị ngấm vào thịt chuột rồi mới đem chiên trên lửa riu riu, nhớ đảo đều để miếng thịt chuột chín đều và vàng ruộm là ngon.
Món này ăn với cơm gạo mới nấu thơm lừng thì không thể nào dừng được. Vừa đậm tình quê vừa ngon đến tận miếng cuối cùng, vừa ăn vừa xuýt xoa vừa hít hà vừa no căng bụng vừa tràn đầy tình yêu mến đối với đất Cà Mau.
Bồn bồn Cà Mau đã trở thành “thương hiệu” của ẩm thực Cà Mau, làm giàu thêm văn hóa ẩm thực của vùng đất này. Là một loại cây dại mọc trên ruộng, bồn bồn dần trở nên yêu thích đất phù sa Cà Mau mà phát triển ngày càng nhiều, trở thành người bạn thân thiết của nông dân Cà Mau.
Dọc theo những con đường từ thành phố Cà Mau dẫn về các huyện thị, bạn sẽ thấy những chòi lá đơn sơ nằm ven đường, hiền hòa che mưa che nắng cho người nông dân bán bồn bồn mọc lên từ đất của mình.
Bồn bồn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn như bồn bồn trộn gỏi, bồn bồn xào tôm, dưa bồn bồn chấm cá kho tộ, hoặc có khi ăn tươi như một loại rau. Người Cà Mau tự hào rằng bồn bồn là một loại rau sạch, lớn lên từ phù sa nên chẳng có loại hóa chất nào có thể chạm tới, thành ra ăn tươi thì cứ tận hưởng vị ngọt và giòn rụm của loại rau này mà chẳng cần ngại ngần gì.
Dưa bồn bồn có thể là món ăn được yêu thích nhất của người địa phương cũng như của khách phương xa đến với Cà Mau. Bồn bồn bóc vỏ, lấy phần củ hũ và thân non ra, ngâm với nước muối có pha gia vị, sau một tuần hoặc 10 ngày là đã có món dưa bồn bồn ngon không thể tả rồi.
Dưa bồn bồn ăn với các loại cá đồng kho tộ thật keo, thật đậm đà thì “đưa cơm” lắm, hết đũa này đến đũa kia, và này rồi và kia mà không thể dừng, thế mới hay miếng ngon quê nhà đâu chỉ là sơn hào hải vị, nhiều khi chỉ là những món ăn dân dã, gắn liền với quê hương xứ sở của mình.
Nguồn: TTO