Tây Nguyên những tháng “hào phóng”… gió, tôi về xứ Mạ ở B’lao, Lâm Đồng để được bập bùng bên ánh lửa và ngả nghiêng say bên những ché rượu cần dài tít tắp, cùng tiếng chiêng ngân, tiếng hát đố, hát ru trầm bổng.
Đêm rừng. Lửa bừng trong mắt các sơn nữ. Rượu hừng nơi đôi tai những chàng trai miền sơn nguyên. Tiếng chiêng khai hội vang lên, thúc giục bàn chân đàn ông, đàn bà, trai gái, trẻ nhỏ… xoáy vòng vào cuộc vui. Trong chếnh choáng men rừng, tôi nhận ra, rượu đối với đồng bào Mạ, không chỉ đơn thuần là rượu, mà cao hơn, xa hơn rượu, trở thành một triết lý sống, một nghi lễ văn hóa tâm linh, cố kết bon làng cùng các thế lực siêu nhiên: Yàng Ndu (Thần Tối Cao), Yàng Kòi (Thần Lúa), Yàng Bri (Thần Rừng), Yàng Bơ Nơm (Thần Núi), Yàng Us (Thần Lửa)… Do vậy, trong nghi thức cúng Yàng, ché rượu cần là thứ không thể thay thế. Điều này liên quan đến một sự tích của người Mạ.
Trong những cuộc vui cộng đồng, tiếp khách quý hay bè bạn, người Mạ vẫn có thể dùng nhiều cần. Thoạt tiên, gia chủ khui ché rượu, đọc vài lời khấn Yàng, xin Yàng mang đến sức khỏe, niềm vui, may mắn cho khách và cho mọi người. Tiếp đó, gia chủ cắm cần, uống trước một hơi rượu rồi nâng cần trao cho khách quý. Khách đỡ cần bằng hai tay, tay trái đặt trên đầu cần, dùng ngón tay cái bịt đầu cần lại, tay phải cầm nhẹ vào cần, chỗ gần sát miệng ché, nhẹ nhàng vuốt dọc lên đến đầu cần, uốn cong xuống cho vừa tầm và uống. Gia chủ trao thêm cần cho các khách còn lại, mỗi người một cần, nhưng uống lần lượt theo thứ tự, khách quý, lớn tuổi uống trước. Trong khi mọi người uống rượu, gia chủ luôn tay châm nước suối vào ché mỗi lần đổi người uống. Khi mọi người uống xong, đến lượt gia chủ hoặc ông cậu uống cuối cùng thì nghi lễ mới kết thúc.
Chuyện xưa kể rằng, khi những cư dân bộ tộc Mạ đầu tiên đặt chân tới miền sông mẹ Đạ Đờn, rừng núi bấy giờ hãy còn hoang vu lắm. Ma thiêng, nước độc, chướng khí, muỗi mòng nhiều vô kể. Sinh mạng con người luôn luôn bị đe dọa. Trước tình cảnh ấy, già làng khẩn cầu lên Yàng thì được Yàng ban cho nắm lá cây Gràng và bảo thần Nhím dạy dân cách trộn với cơm, ủ thành loại nước uống để trừ đuổi ma tà, yêu quái.
Ngày nay, rượu cần vẫn hiện diện trong hầu hết mọi sinh hoạt của dân bon: hội hè, cưới hỏi, cúng tế, ma chay… Nhà có khách, câu chuyện giữa chủ và khách không thể không xoay quanh ché rượu cần. Bon làng mở hội, lễ vật nhất thiết phải là những ché rượu ủ lâu ngày ngon nhất làng trên bon dưới dâng lên Yàng. Nhưng để có rượu phẩm chất tốt, đòi hỏi phải có men tốt, men chính là yếu tố quyết định. Bởi vậy, vừa bước sang mùa khô, dân Mạ khắp các bon đã rậm rịch vào rừng hái lá cây Gràng về làm men rượu. Những lá được chọn thường không quá già, không quá non, đem phơi khô, tán nhỏ, trộn đều với bột gạo giã nhuyễn. Ngoài ra, còn trộn thêm bột ớt hiểm, bột riềng rừng. Sau đó vo lại thành từng viên, gác trên giàn bếp ấm chừng vài ngày là viên men phồng to, có thể ủ rượu được. Men này mang bốn vị: đắng, chát, cay và ngọt. Lá Gràng cho vị đắng, ớt hiểm có vị cay nồng, riềng rừng mang vị chát hòa trong vị ngọt của bột gạo. Đặc trưng núi rừng và bí truyền cũng ở đấy!
Cách làm rượu ngon
Men đã sẵn, công việc kế theo là nấu cơm lúa mẹ sao cho vừa mềm vừa dẻo, rồi tải ra nong, lúc còn ấm tay thì trộn men đã tán mịn vào, với một ít vỏ trấu để tạo độ thoáng; xong, đem ủ qua đêm. Nếu thấy thơm thoảng mùi mật ong tỏa ra là dấu hiệu cơm rượu tốt. Bấy giờ mới cho vào ché. Dưới cùng là một lớp trấu mỏng, rồi một lớp cơm rượu, tiếp một lớp trấu, một lớp cơm… Cứ thế, cho đến gần đầy thì lấy lá chuối khô gài chặt. Trên cùng dùng quả bầu khô chẻ đôi úp vào miệng ché, lấy sáp ong gắn kín lại. Rồi mang ché rượu để ở nơi ấm và khô thoáng, chỉ năm sáu ngày sau là dùng được. Tuy nhiên, người Mạ không mấy khi uống ngay mà tìm chỗ ven rừng gần bon đào hố chôn ché rượu xuống, vài tháng sau mới đào lên. Lúc này hương vị rượu thật đậm đà, màu vàng sánh như mật ong. Cái đặc sắc của rượu cần để lâu ngày là rượu cốt càng nồng, uống càng ngọt giọng, hương mật ong càng ngấm. Kinh nghiệm nhiều đời dân bon cho hay: ché rượu cần nhỏ, cổ ché chừng hai tay, để một con trăng; ché to ba bốn tay, để bốn năm con trăng là ngon nhất. Rượu cần ngon còn tùy thuộc vào loại ché đựng, ché càng cổ, đã qua nhiều lần sử dụng, men rượu ngấm vào xương gốm rượu càng ngon.
Men say những cuộc vui
Cần uống rượu được làm từ một loại cây rừng, thân mềm, có đốt dài bằng cả sải tay, dân bon gọi là Si la giòng. Ở B’lao Si la giòng mọc nhiều dọc Đạ Kolka, các bon người Mạ hay đến đấy chọn. Cứ mỗi đốt Si la giòng, được một chiếc cần, họa hoằn mới dùng cần dài hơn một đốt. Cần lấy về phơi khô, vót nhọt một đầu để cắm vào ché. Việc uống rượu cần của người Mạ cũng tùy từng mục đích. Trong lễ cúng Yàng, người Mạ chỉ dùng một cần. Đấy là điều khác biệt giữa bộ tộc Mạ với nhiều bộ tộc thiểu số khác ở Việt Nam. Sau khi khui ché rượu, cắm cần vào, chủ lễ hoặc ông cậu đọc lời khấn Yàng về chứng kiến và nhận lãnh nước rượu đầu tiên xong, đến lượt mình, nếm một hơi rượu trước, nhằm chứng tỏ trong rượu không có độc mới trao cần cho người kế tiếp; lần lượt từ già đến trẻ, từ khách đến chủ, từ nam đến nữ… Người uống trước không được buông cần khi chưa có người thay thế. Trong lúc chuyển cần cho người khác, phải dùng ngón tay cái bịt đầu cần lại để con Briêng – ma ác, không có đường chui vào ché, làm hại người uống rượu. Uống rượu cần kỵ nhất là làm vỡ ché hay làm cần gãy. Người Mạ không ai dám làm gãy cần. Làm gãy cần tức là bất kính với Yàng, muốn gây sự cùng gia chủ. Người nào chẳng may làm gãy cần thì bị cả tộc coi khinh, phải tìm một con heo to bằng gang hai tay, cộng thêm mấy ché rượu đền cho cả tộc. Nếu làm vỡ ché thì là dấu chỉ của Yàng cho biết Yàng không nhận lễ cúng, Yàng không còn phù trợ cho người Mạ nữa. Vì vậy, người Mạ tránh đã đành, khách xa lại càng tuyệt đối tránh, kẻo cuộc rượu mất vui.
Nguồn: Langvietonline