Chỉ nhờ ăn uống những thứ ‘tự cung tự cấp’ và dùng ‘kỳ hoa dị thảo’ mà ở Đồng Sơn (Phú Thọ)có tới hàng chục người sống trên trăm tuổi…
Ông Hà Trường Ngọt có sự so sánh rất vui rằng, trong toàn huyện, Đồng Sơn thuộc dạng nghèo nhất nhưng không hiểu sao “cái lộc giời” về sự trường thọ của con người nơi đây lại ấn tượng vậy. Toàn xã chưa đầy 800 hộ dân nhưng đã có tới hàng chục người sống trên trăm tuổi. “Còn tám mươi tuổi trở xuống thì không nhắc nhé, vì sợ đếm không hết đâu…”, ông Ngọt nói.
Một bên tiếp giáp với huyện Phù Yên của Sơn La, một phía gối đầu lên huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình, Đồng Sơn có lẽ là xã xa xôi nhất của huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ). Từ lâu, người ta vẫn gọi mảnh đất này là thung lũng… tuổi trời. Và không phải không có lí khi vị chủ tịch xã Hà Trường Ngọt bật mí khoe với tôi: “Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã xác định được nhiều địa phương có đông số người sống trên trăm tuổi như Mường Lựm (Sơn La), Bình Chuẩn (Nghệ An) và xếp đầu trong số đó là Đồng Sơn (Phú Thọ) chúng tôi…”.
Vùng đất lạ kỳ
Trời nhập nhoạng tối và sương mù không thôi giăng mắc, ông Hà Văn Nẩy, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Sơn vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi xuống xóm Mít 2, một trong ba xóm có số lượng những người cao niên nhiều nhất (cùng với xóm Xuân 1, Xuân 2). Vừa vén sương vừa chập chững bước, ông Nẩy bảo, thời tiết ở Đồng Sơn nếu so với các nơi khác thì thật khắc nghiệt, mùa đông, không nói quá nhưng chuyện nước trong thùng đóng thành băng phải cho lên bếp đun cho tan chảy ra mới có thể sử dụng sinh hoạt được còn mùa hè thì chưa đâu nóng, gió Lào đã quăng quật vào đây ngay từ lúc chớm vào hè. Năm nào cũng một chu kỳ và vòng quay nóng lạnh ấy. Nhưng cũng chính điều đó, tự bao đời nay đã dũa mài cho con người nơi đây một sức đề kháng để chống chọi với thiên nhiên một cách lạ kỳ.
Theo chân ông Hà Văn Nẩy, chúng tôi ngược dòng suối Bứa quanh năm nước chảy trong lành để như lời ông Nẩy, “có thể diện kiến và hỏi chuyện những bậc cao niên một cách thuyết phục nhất”. Ông Nẩy năm nay gần sáu mươi tuổi, đã lên chức ông nội từ lâu nhưng chuyến ngược suối Bứa, ông vẫn khiến những kẻ hậu sinh như chúng tôi phải mướt mồ hôi mới có thể “bám chân” cho kịp. Vừa đi đường vừa kể chuyện, ông Nẩy bảo, suốt cả dải Tây Bắc của Tổ quốc, nhiều nơi ông đã đặt chân tới nhưng quả thực, chưa nơi nào ông có cảm giác thiên nhiên ưu ái ban tặng con người những loài kỳ hoa dị thảo nhiều như Đồng Sơn quê ông.
“Cách đây chỉ mười năm thôi, có thể nhiều người kinh ngạc nhưng cá dưới dòng suối này cả xã tôi ăn không hết. Vừa nhiều lại đa chủng loại nên có thể nói, phiên chợ Đồng Sơn đã được thành lập từ lâu nhưng cũng chả có ai đến họp. Cứ gần như tự sản tự tiêu anh ạ. Cá dưới suối, rau trên rừng, Đồng Sơn gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Những khái niệm như ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại… gần như chưa bao giờ tồn tại nơi đây”.
Một điều đặc biệt nữa, như lời vị Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Đồng Sơn có rất nhiều loại rau rừng, củ cây rừng quý có thể làm món ăn hằng ngày cũng như làm những dược liệu quý để sử dụng trong thuốc Nam. Rau dớn, rau Đắc đẻ, rau chuối, măng rừng… ông Nẩy bảo với tôi rằng, người Đồng Sơn sống thọ sống lâu là cũng bởi rau rừng cá suối này thôi, chứ các thứ “nóng”, nhiều đạm như thịt thì hạn chế lắm mới có để ăn.
Người đầu tiên chúng tôi vào vấn an là cụ Hà Thị Noi. Cụ Noi chính là bác ruột của ông Nẩy. Thật may cho chúng tôi, khi vừa bước lên thềm nhà thì cũng đúng lúc gặp cụ bà 101 tuổi này đang… vác cuốc đi làm vườn. Dáng người nhỏ nhắn, mắt đã chân chim, da đã đồi mồi nhưng có thể nói, chưa hề có dấu hiệu của sự chậm chạp hay hạn chế tuổi già xuất hiện ở cụ Noi. Cụ Noi hay chuyện, tính cởi mở, khi tôi hỏi cụ chỉ tủm tỉm bảo rằng, thực ra ở đất này, tuổi như cụ… vẫn chưa được coi là thượng thọ. Khi cái chân chưa mỏi, cái tay cái đầu chưa mệt thì mình cứ phải đi làm thôi, đi làm chính là một sự… tập thể dục hữu hiệu nhất. Cụ Noi cho hay, trong dòng họ mình nhiều người sống đến ngoài 100 tuổi, chỉ có bố mẹ cụ là “chẳng may” mất sớm, hai cụ thân sinh là Hà Văn Bốp và Hà Thị Chép mất khi “mới” đều… 99 tuổi.
Chuyện gần chuyện xa, vừa lúc ấy thì ông Nẩy lôi đâu từ góc chạn ra một chai rượu phủ kín bồ hóng. Ông bảo ông muốn chúng tôi thưởng thức một loại rượu mà ông khẳng định, chắc chắn chúng tôi chưa bao giờ được nếm và theo ông, đây cũng là một trong những “thần dược” bồi bổ nguyên khí mang đậm chất Đồng Sơn. Ông Nẩy gọi tên là rượu hoẵng. Rượu được nấu rất kỳ lạ. Chỉ ủ chứ không nấu. Ban đầu ngâm rồi vắt tinh gạo ra nước, cho vào hũ sành để cạnh bếp, nước được sức nóng từ bếp gián tiếp làm sôi lên, chờ cặn bã lắng xuống sẽ xuất hiện một lớp nước trong veo nổi lên, người ta sẽ múc ra cho vào bình, hạ thổ sau vài tháng lấy ra dùng. Rượu lúc đó sẽ có vị đằm và ngọt dịu, tự lên ga để bảo ôn cũng như giữ được hơi lâu ngày. Ông Nẩy quả quyết, cách nấu đó chỉ duy nhất tồn tại ở Đồng Sơn quê ông mà thôi. Một “tiêu chí” để cất rượu hoẵng thành công – đó là chỉ vài chén nhỏ, người uống phải có cảm giác lâng lâng, say say nhưng không hề bị đau đầu mà chỉ có cảm giác an thần, dễ ngủ.
Chân dung những bậc tu tiên
Cụ Noi, một người sống đã trên trăm tuổi, chưa hề bước chân khỏi quê nhà một ngày nhưng cũng đúc kết với tôi rằng, theo cụ, trừ trường hợp gia đình nào có “truyền thống” sống lâu (hay khoa học vẫn gọi với cái tên gen di truyền) ra thì chi phối sức khỏe và sự trường thọ của con người vẫn là môi trường sống. Môi trường sống thì có nguồn nước, không khí (trong đó cụ Noi có nhắc đến cả… không khí sống giữa con người với nhau) và thức ăn mình ăn hằng ngày thôi. Móm mém nụ cười, lão bà tiếp tục câu chuyện dang dở, rằng ngày xưa, cụ chỉ duy nhất ăn hai bữa là bữa sáng và bữa tối. Trong đó, bữa sáng dứt khoát phải là xôi được lấy từ nếp ngoài nương đem về đồ.
“Đồng Sơn có nhiều loại nếp lắm, từ nếp đỏ, nếp ruốc, nếp cẩm, nếp nương, gié trắng, hạt dài… Có nhiều loại bây giờ không còn giống nữa đâu. Trước ta hay được ăn loại nếp đỏ, tức là loại nếp bên ngoài vỏ thì đỏ tươi nhưng bên trong hạt gạo thì lại trắng. Xôi từ trong chõ cho ra nong, trẻ con có khi không bẻ ra được vì dẻo quá”.
Cụ Noi cũng tiết lộ thêm cho chúng tôi một trong những cách pha chế để có được món ăn tinh túy nhất của mảnh đất lạ kỳ Đồng Sơn. Là rằng, khi nấu cơm nếp gần chín, người dân nơi đây thường có thói quen bỏ vào nồi những loại lá cây lấy từ rừng về như cây Co rich, cây mối rừng, cây nối côi… từ đó tạo ra một loại hương vị dễ chịu và đặc biệt hơn, những tinh túy từ thiên nhiên cũng đã được hòa trộn vào thức ăn của con người.
Cụ Noi cũng bảo thêm, với những giống lúa quý từ thời xửa xưa ấy, thì cách thức chăm trồng cũng thật đặc biệt, thậm chí đôi khi còn quá kỳ công và kỹ lưỡng. “Nó dứt khoát phải được trồng trên đồi, nơi có những vạt đất thoai thoải dốc, đôi khi con người còn phải đốt cây rừng, lấy tro đem đi bón ruộng rồi mới gieo mạ. Lúa chín phải lựa từng bông mà bẻ, đôi khi phải mất cả tháng trời mới “nhổ” xong từng bông một để đem về. Sau đó chọn những bông mẩy, chắc nhất vắt lên cây nứa để bắt lên các dóng nhà sàn dành ăn quanh năm”.
Khi chúng tôi ngỏ ý thán phục cụ Noi, rằng dù đã sang tuổi hạc từ lâu mà cụ vẫn có thể vác cuốc làm vườn thì cụ chỉ cười mà bảo: “Ở đây tóc bạc phơ mà vẫn cấy cày được thì nhiều lắm, có riêng gì ta đâu. Nhìn xem phía xa xa kia, cái ông Hà Phúc Sinh con trai đầu của ông anh ta, chín mươi tuổi vẫn vác cày ra bừa ruộng kia kìa”.
Chúng tôi xuống sân chào cụ Noi và chúc cụ thượng thọ thêm nhiều năm nữa, ban phúc ban lộc cho con cháu thì cụ cười tít, khoa cả làn da răn reo hóm hỉnh: “Chắt ta vừa lấy vợ nhé, nó sắp cho ta thêm một đứa chít nữa rồi. Ta phải sống để còn bế chít ta nữa chứ”.
Vừa đi đường, ông Hà Văn Nẩy vừa chia sẻ thêm với tôi, ở Đồng Sơn, ngoài môi trường thiên nhiên khách quan tạo ra, thì một “thế mạnh” rất đặc thù của cộng đồng người Mường nơi đây là tính cộng đồng. Hầu hết trong các gia đình có các bậc thượng thọ đều chung sống ba, bốn thế hệ, thậm chí là năm thế hệ trong cùng một mái nhà rất thuận hòa yên ấm. Ông Nẩy cho rằng, tính cộng đồng đó là một xúc tác rất quan trọng, bổ trợ cho môi trường sống nơi đây thực sự hoàn chỉnh.
Chưa có một thống kê, rằng ở Đồng Sơn, bậc trưởng lão nào thực sự cao tuổi nhất nhưng theo như những gì ông Hà Văn Nẩy biết được thì mới năm ngoái thôi, chính ông và ủy ban xã đã đứng ra lo liệu đám tang cho cụ bà Hà Thị Thẽm mà trong điếu văn, các ông đã từng xác nhận là cụ đã có 110 cái xuân xanh cùng cõi dương gian. “Trên một trăm thì còn phải tính, nhưng từ 80 tuổi cho đến 100 thì không thể biết sao cho đủ”, ông Nẩy khẳng định.
Nguồn: Báo Đất Việt