Con nghêu Cần Giờ – một thời giúp xứ này vang tiếng – đã từ bỏ những tấm “hộ chiếu” đi sang EU khi dự án lấn biển được triển khai.
“Mỏ” nghêu ở đấy đã vợi đi, một thời cũng hấp dẫn nhiều người Sài Gòn, khiến họ ghiền tắm cái biển không lấy gì làm thống sướng này. Và kết hợp tắm biển với làm nghêu đạo chích cho tới khi có lệnh kiểm tra người tắm biển. Trước đó mỗi ngày Cần Giờ mất trộm cả tấn nghêu.
Có phải nhờ lấn biển mà khách du lịch đến Cần Giờ được ăn những con nghêu tơ? Chuẩn xuất nghêu tơ, theo anh Bình, nhà trước đây có hàng mấy chục mẫu nghêu, là từ 22-25 con đủ một cân. Cái gì tơ cũng đều ngon và ai cũng thích, nhưng biết nhìn ra tơ thì không phải ai cũng sành. Dân Cần Giờ còn gọi con nghêu to là “đã thành con ngao”, thịt dai, kém ngon.
Con nghêu tơ lớn bằng cái muỗng cà phê. Bạn có đốt đèn lên đi tìm cũng khó mà tìm thấy ở những hàng ốc vỉa hè. Nghêu tơ ăn thịt đúng độ mềm. Nghêu có thể chế biến nhiều món, nhưng đơn sơ ăn vẫn ngon là món hấp rau răm – một món ruột trong nhà hàng Duyên Hải. Cũng chỉ quán này thường có nghêu tơ. Nghêu còn có một vị lạ nữa là hấp sữa tươi.
Bây giờ Cần Giờ thứ gì cũng nuôi. Những đặc sản từ con ốc len, con cá chẻm, cá bớp đến con cá mú đều nuôi. Cá dứa thì có người dân nói đã nuôi, có người cho rằng đó là rộng và cho ăn dài ngày để chờ con cá tăng trọng, thu lợi thêm. Chỉ có cá ngát và ốc mỡ chưa nuôi. Ốc mỡ đi bắt đêm hay ngày tuỳ theo mùa. Mùa nam đội đèn đi soi bắt đêm. Mùa chướng đi bắt ngày.
Mấy năm trước, Cần Giờ với khu rừng đước trứ danh, nổi lên món địa sâm – món ăn mà muốn bắt con vật phải đào đất trong rừng đước, bất kể việc chặt rể đước và cuốc cây con. Về sau, món này bị cấm lưu hành vì làm hư rừng và đất rừng. Nên không thể luận chuyện ngon, dở, bổ của chúng.
Gần đây, ba năm đổ lại, phong trào nuôi hàu nổi lên. Nhiều người đầu tư cả tỉ đồng cho tiền mặt bằng nước và tiền giống. Hàu Cần Giờ tuy nuôi bán tự nhiên, nhưng ngon hơn hàu nhiều địa phương khác. Hàu biển dở phải kể đến hàu Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do nuôi trồng ở đây dày đặt làm cạn kiệt tài nguyên môi trường. Hàu biển lại ngon hơn hàu nước lợ – thịt con hàu biển trắng, còn hàu nước lợ như dưới Cà Mau ruột hơi đen. Người dân Cần Giờ thừa nhận ngon nhất vẫn là hàu sữa, sống tự nhiên, dầu tốn công cạy những con vật chút xíu.
Hàu nuôi một vụ từ lúc cấy giống đến lúc thu hoạch ở vùng nước giàu tài nguyên tối thiểu chín tháng. Thường là một năm, người nuôi còn gọi là một niên. Cái ngon của hàu ai cũng biết, từ ăn sống đến nấu cháo, đến nướng. Hàu sữa còn nổi tiếng với món mắm – đặc sản của Côn Đảo không bay được, chỉ đi bằng đường thuỷ. Có một đặc trưng là hàu giàu kẽm, một loại vi chất bổ trí nhớ và chống còi ở trẻ em.
Hàu ở Cần Giờ mắc hơn ở Sài Gòn, và địa vị của chúng là hạng nhà hàng. Hàu ở hàng quán vỉa hè là hàu kém tươi, từ nơi khác nhập về, dạt “sàng nhà hàng” xuống “nia quán vỉa hè” – ở những nơi đó hàu đúng là rẻ hơn hàu Cần Giờ.
Cá dứa một nắng Cần Giờ gần đây là món ăn ngon mộc và khá thịnh hành ở hàng quán Sài Gòn, ăn với cơm cháy hoặc cơm vắt, với nếp nương càng ngon. Nhưng không hiểu sao phải xuống Cần Giờ ăn miếng cá dứa một nắng mới ngon? Ông Năm Minh, chủ quán Duyên Hải, cười cười: “Thức nào không có loại 1, loại 2. Lấy tại chỗ loại 1, còn rẻ hơn loại 2 mối bỏ ở Sài Gòn.”
Còn phải kể đến vùng biển giàu cá đối này với con cá đối tươi rói, nướng trên bếp than. Vị ngon của con cá đối nướng bếp than hết hai phần ba nằm ở mùi thơm lúc nướng, chứ không phải ở thịt của nó. Mỡ cá đối dưới da khi nướng thơm lạ lùng, làm thèm muốn chết, ấy mà khi ăn thì mắm ớt ngò phải thật đậm mới tạm gọi là ngon.
Hôm 13.5, có dịp đi Cần Giờ, được hạnh ngộ món cá khoai tươi nấu ngót mà lâu lắm không gặp. Miếng cá như xu xa này phải thật tươi, dùng muỗng múc chấm nước mắm thời ngon phải biết. Nước cá thật nhiều hành lá, cần tây và cà chua tạo độ “ngót” và thơm rất đạt. Chỉ ở thật gần biển mới có nhiều may mắn thưởng thức con cá thân nước này. Ở sâu trong đất liền, hãy bằng lòng với khô khoai, khi nướng thơm, vị ăn vào càng thơm lạ, nếu tuổi cá từ lúc vào hàng quán đến lúc nướng chưa luống.
Ngoài canh ngót, canh chua một thời dân Sài Gòn ăn rất dữ là cá mao ếch. Cá rộng lâu ngày được nên toàn thịnh ở nơi không có biển. Nhưng nói gì nói, con cá biển ghe mới đem về vẫn ngon không chê vào đâu được, vì chúng chưa kịp ốm đi, chưa kịp bị stress của cảnh cá chậu chim lồng.
Cuối cùng, ngoài con tôm sú nuôi, nơi lá phổi của Sài Gòn còn có con tôm biển thịt ngọt lịm, không cho cảm giác bột như tôm sú, nhưng chỉ hên mới gặp thôi, không phải lúc nào cũng có. Nhà Phật gọi đó là duyên.
Có một điều đáng phàn nàn nhất là Cần Giờ xa quá! 70 cây số cách trung tâm Sài Gòn mà phải chạy xe mất hơn hai tiếng đồng hồ mới đến. Vì mỗi tội không có phà express, và đường tốt, vắng mà chỉ cho phép chạy tốc độ 60km/giờ, với một bộ phận chuyên trách giao thông làm việc không nơi nào mẫn cán bằng.
Theo: SGTT