Phở có chị hay không thì chưa thể trả lời được nhưng em thì chắc chắn có, và mang luôn cái tên em-của-phở.
Em-của-phở có cấu hình không phức tạp như phở, có phần thanh cảnh hơn, mức độ như Thuý không bằng Kiều nhưng có cái riêng của Thuý. Nếu gọi nước là board mạch chính của các món ăn có nước và có sợi làm bằng tinh bột thì board mạch chính của em-của-phở ngọt rất thanh nhưng chỉ tiếc là hương không rất nồng đượm. Nước rất trong làm sợi bánh như mây.
Đầu bếp nhà hàng Đũa Việt, nơi bán món hi hữu này, cho biết: muốn đạt độ thanh của nước ngoài nước hầm xương heo còn phải có trùn chỉ.
Bánh của món này được đặt làm riêng, vừa giống bánh phở đạt chuẩn vừa khác một chút, “dòn” hơn. Cọng thay vì vuông lại tròn như bún, nhưng không tròn bằng bún mà gầy guộc – làm ta người ta nhớ đến vai người em của nhạc sĩ họ Trịnh – như cánh vạc… lại không về chốn xa xăm mà ở ngay trên đường Võ Văn Tần, đằng sau trụ sở Thông tấn xã Việt Nam tại TP.HCM.
Món thịt chính là bắp bò. Bắp bò có độ thơm rất nhẹ, không gắt như thịt bò. Tạo vị chính là hành tây. Tất cả cấu hình như thế làm nên một món ăn đúng như triết lí của tác giả món ăn, tiến sĩ Nguyễn Nhã – ngon, bổ, khoẻ. Ông cho biết: món ăn này gia đình ông hay dùng. Bây giờ muốn xây dựng một hiện trường bếp Việt phong phú, ông cho phép Đũa Việt “xuất bản” và thương mại hoá nó như là một món quà sáng góp phần vào sự phong phú của văn hoá ẩm thực Việt. Và em-của-phở đang chờ “ban giám khảo lưỡi” dân Sài Gòn – vốn nguồn gốc tam phương tứ xứ – cho điểm nó.
Buổi sáng tháng sáu mùa hè trời không mưa anh cũng lạy trời mưa như tâm tình của nhà thơ Nguyên Sa, ngồi ở con đường rợp bóng cây, làm một em-của-phở, uống một càphê, bên ngoài cơn mưa vụt qua thành phố. Nắng ửng lên. Tiếng ve rả rích. Không còn gì Sài Gòn hơn.
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị