Bún thang Hà Nội, bánh đa của Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình đều là những món ngon độc đáo có một không hai ở VN và khu vực. Với sự độc đáo trong cách chế biến và hương vị tuyệt hảo, riêng biệt những món ăn này xứng đáng được đề cử kỷ lục châu Á. Khách du lịch nước ngoài không thể bỏ qua những món này nếu đến Việt Nam .
Đó là ba trong 15 món ngon độc đáo sẽ được đề xuất lập kỷ lục châu Á trong tháng 9 tới. Vậy,điều gì đã khiến những món ăn này được lựa chọn?
Bún thang Hà Nội – món ngon hòa tấu vị – sắc – hương
Hà Nội có vô vàn món ngon nhưng món ăn thể hiện sự tinh tế nhất của người Hà Nội không thể nào không nhắc đến bún thang. Món bún thang không đơn thuần là món ăn ngon mà còn là một món hoà tấu của vị – sắc và hương.
Bún thang ở Hà Nội hiện được biết đến nhiều nhất tại 4 quán: 59 Hàng Lược, 28 Liễu Giai, 144 D2 Giảng Võ và 48 Cầu Gỗ. Mỗi quán có một đặc trưng riêng, tuỳ theo khẩu vị từng người mà chọn quán cho vừa miệng.
Món bún thang ngon quan trọng nhất ở nước dùng. Nó được ninh thật kỹ bằng xương gà, xương lợn và tôm he khô. Trong khi ninh phải trông chừng để vớt hết bọt cho nước thật trong. Thế mới giữ được chất đạm và vị ngọt tự nhiên cho nước dùng.
Một bát bún thang gồm bún rối trắng tinh với trứng tráng thật mỏng, thái chỉ tơ. Thịt gà có lườn trắng, đùi nâu, da vàng óng, xé nhỏ. Giò lụa thái chỉ, đặt ở một góc kèm theo một chút củ cải khô đã ngâm kỹ và tẩm nước mắm, dấm cho vừa ăn. Trên cùng là rau răm, rau mùi, hành hoa, hành củ. Và có lẽ không nên thiếu một chút xíu mắm tôm cho đậm đà món bún.
Bát bún thang cũng có thêm thêm chút dầu cà cuống với vị cay rất đặc biệt, ai đã nếm thử qua và hợp khẩu vị rồi thì sẽ nhớ hoài. Chỉ cần 1,2 giọt cà cuống, bát bún thang trở nên ngây ngất, quyến rũ người ăn đến từng giọt cuối cùng.
Món bún thang chỉ dùng ăn nóng. Vị cay nồng đậm của ớt, tỏi, hòa lẫn với vị chua của giấm, vị ngọt của xương trong nước dùng, dẻo thơm của bún trắng, bùi báo của trứng, gà và giò khiến người ăn nhớ mãi.
Bánh đa cua Hải Phòng – hương đồng gió nội khó quên
Với những nguyên liệu dân dã, gần gũi với cư dân nông nghiệp như: cua đồng, bánh đa, ray cần, rau muống…, người Hải Phòng đã sáng tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo: bánh đa cua.
Món ăn không quá sang trọng nhưng lại được từ kẻ sang đến người hèn vô cùng ưa thích bởi hương vị đậm đà, thanh khiết của nó.
Theo công thức truyền thống, cua đồng sau khi làm sạch được đem lột bỏ yếm, tách mai, bỏ phần xốp bên trên mình cua. Thân cua sau khi đã tách riêng, cho 1 nhúm muối, xóc đều rồi rửa lại qua nước sạch 2 lần, giã nhuyễn, lấy gạch ở mai cua để riêng. Phần thịt cua đã giã hòa vào với nước, khuấy đều cho thịt cua tan vào nước, lọc lại cho kỹ.
Rau cần ta cắt khúc 5cm, rửa sạch, rau muống, rau rút nhặt bớt lá, cắt khúc như rau cần, luộc vừa chín tới, vớt ra ngâm luôn vào nước lạnh, rau nguội, vớt ra để ráo. Bánh đa ngâm nước khoảng 10 phút cho mềm, chần nhanh trong nước sôi rồi đổ ra bát.
Bắc chảo lên bếp, cho hành tím vào phi vàng, vớt ra để riêng. Cho tiếp tỏi băm vào phi thơm, trút phần gạch cua vào xào cho đến khi nổi màu.
Cho nồi nước cua lên bếp với lửa thật to, khi nồi nước bắt đầu sôi thì giảm nhỏ lửa để gạch cua đóng lại thành tảng, vớt gạch cua ra. Cho phần gạch cua đã phi vào nồi nước dùng, nêm muối, bột ngọt, bột nêm, chút đường cho vừa ăn, trút hành tím phi vàng vào.
Khi ăn, cho rau cần, chả cá vào nước dùng trụng mềm, lót rau cần dưới đáy bát, cho bánh đa, rau muống, chả cá vào, xắn một lát gạch cua cho lên trên bánh đa, chan nước nóng vào ngập bát, nêm thêm, nước mắm, chanh ớt tùy khẩu vị. Cuối cùng, thêm một chút hành phi, hành lá lên trên người ăn sẽ được thưởng thức một tô bánh đa cua ngon chưa từng thấy.
Cơm cháy Ninh Bình -tôn vinh hạt gạo Việt Nam
Hiếm có món ăn nào thể hiện hết được sự tinh túy của hạt gạo Việt Nam như món cơm cháy Ninh Bình. Không khoa trương, biến tấu, cơm cháy Ninh Bình trước sau chỉ dùng chính hạt gạo nguyên chất để thể hiện giá trị “ngọc thực” của chính nó,
Gạo được nấu lên sao cho thật vừa nước, đủ độ dẻo. Khi cơm chín tới phải nhanh lấy hết ra chỉ để lại phần xém dưới đáy nồi. Rồi tiếp tục đun, lúc này vừa đun phải vừa, người nghệ nhân xoay tròn nồi cho cơm chín đều và tạo thành một lớp cháy đều.
Tiếp đó, người ta lấy những miếng cháy này ra khỏi nồi bẻ vừa vặn và đem phơi (hoặc sấy) cho thật khô để dễ bảo quản. Khi thưởng thức cơm sẽ được rán giòn.
Món cơm cháy hấp dẫn thực khách còn bởi các loại nước chấm ăn kèm. Miếng cơm cháy được chấm với nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc… cũng có khi là tương nếp. Tại nhiều nhà hàng ở Ninh Bình, nước sốt được làm từ chính thịt dê tạo nên sự kết hợp độc đáo cho hai món ăn đặc sản nơi đây.
Thưởng thức cơm cháy Ninh Bình, thực khách như cảm nhận được những tinh hoa trong hạt “ngọc thực” chắt chiu những tần tảo của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Một cơm cháy Ninh Bình còn có một lịch sử lâu đời. Tương truyền,nó có từ cuối thế kỷ 19, do một chàng thanh niên tên Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở cả Hà Nội và Ninh Bình. Từ đó, hơn 100 năm món cơm cháy được lưu truyền và trở thành đặc sản ẩm thực của vùng đất Cố Đô.
Nguồn: Báo Đất Việt