Chiếc bánh nhỏ có màu đen, vỏ mềm, dẻo, bùi, thơm ngậy do nhân mang lại, khi ăn có vị ngọt thơm, ăn xong vẫn còn thèm.
Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống, có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Bánh có dạng hình vuông hoặc hình chóp, thành phần bánh được làm từ bột nếp và lá gai, bên trong nhân đậu xanh, là món ăn vặt hoặc ăn tráng miệng sau những bữa cơm.
Nhìn vào chiếc bánh gai có thành phần đơn giản nhưng là một quá trình khá cầu kỳ khi chế biến. Đầu tiên là nếp, phải chọn loại gạo nếp hạt chắc, thơm dẻo, nếp được đem ngâm mềm, sau đó xay và lắng nước lấy bột. Lá gai tươi có màu xanh, rửa sạch, luộc chín và vắt khô, thêm một ít dầu ăn cho vào cối giã nhuyễn. Bột nếp được trộn đều với lá gai đã giã nhuyễn sao cho bột thật mềm và dẻo. Nhân bánh bao gồm đậu xanh bỏ vỏ, hầm chín và đánh tơi với đường cát trắng, có nhiều nơi cho thêm cơm dừa khô.
Phần bột được vo thành từng viên tròn nhỏ bằng nắm tay trẻ em, nắn dẹp cho nhân vào bên trong và bọc lại. Lá gói bánh là lá chuối hột phơi khô, được xé thành từng miếng nhỏ, phần bánh cho vào bên trong và gấp từng góc lại thật kín để khi hấp nước không lọt vào làm hỏng bánh. Muốn cho chiếc bánh thêm thơm ngon, người thợ sẽ rắc một ít vừng bên ngoài vỏ bánh trước khi gói lại, sau đó lấy lạt mềm buộc bánh thành từng cặp với nhau xếp vào nồi và đem hấp.
Vỏ bánh mềm, dẻo có màu đen đặc trưng của lá gai. Nhân bánh thường là đậu xanh được đánh nhuyễn với đường, có nhiều nơi cho thêm một ít cơm dừa khô làm cho nhân bánh thêm ngọt, béo và thơm.
Những chiếc bánh gai không chỉ là món quà quê bình dị, ở một số vùng miền, bánh gai còn là một vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong ngày lễ Tết. Chiếc bánh gai mộc mạc thơm mùi đồng ruộng chỉ cần nghe nhắc đến đã thấy đâu đây mùi lá gai thoang thoảng trong hương nếp mới cùng vị ngọt bùi của nhân không thể lẫn vào đâu được.
Nguồn: Ẩm thực