Khác với món bánh canh nước, tô bánh canh khô có cả mùi thơm của dầu tỏi phi, vị béo của nước dùng, đậu phộng vừa có cả vị thanh thanh của đồ chua vừa dùng kèm cùng các loại rau đặc sản đầy hương sắc xứ nắng chát Tây Ninh.
Bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương… là những món mà khá nhiều người Sài Gòn đã một lần thử qua và quen với tên gọi của nó. Bánh canh khô thì sao? Nghe lạ vì trước giờ người ta vẫn quen ăn tô bánh canh đầy đủ hương vị của bánh, rau giá, thịt heo cùng nước dùng nóng hổi.
Chị Nga quán lí nhà hàng bánh canh Trảng Bàng Ba Xi ở đường Võ Văn Tần, quận 3, Tp Hồ Chí Minh một trong những hậu duệ của gia tộc họ Bùi – người khai sinh ra món bánh canh Trảng Bàng truyền thống đặc sản Tây Ninh – cho biết sự ra đời của món bánh canh khô này tại nhà hàng cũng thú vị.
Trong một lần sum họp gia tộc tại quê nhà ở Trảng Bàng, vì thấy cả đời gia tộc mình và người dân Trảng Bàng mình chuyên “ăn bánh canh, ngủ bánh canh”, một người cô trong họ tộc nghĩ ra cách chế biến món khô này để thay đổi khẩu vị cho chồng. Có cơ hội dùng thử, chị Nga suy nghĩ sẽ đưa món lạ này bổ sung vào thực đơn của nhà hàng. Hỏi ý kiến và bàn bạc với mẹ và chồng (chồng chị là con trai bà Ba Xi) thì được ủng hộ nên ý tưởng thành hiện thực.
Để làm món bánh canh này, bếp trưởng nhà hàng cho biết: đầu tiên, trụng sơ sợi bánh canh với nước lèo cho thấm. Lưu ý là trụng trong nước lèo, chứ không trụng với nước sôi bình thường. Trụng sao cho vừa thấm, cho cọng bánh vừa mềm tới, xốc cho thật khô rồi cho thịt bằm nhuyễn vào. Sau đó, cho vào lần lượt tỏi phi, đậu phộng rang, đồ chua, rau, dưa, giá xắt nhuyễn. Dùng kèm theo là một chén nước súp.
Bánh canh khô ăn kèm những loại rau đặc sản Tây Ninh tươi xanh, chén nước chấm pha riêng thơm phức cùng tô nước dùng bốc khói với miếng giò hay thịt bắp. Món này thích hợp với những thực khách thích ăn cái khô riêng, cái nước riêng tựa như hủ tíu – mì khô vậy.
Theo Sài Gòn Tiếp thị