Tình cờ trong lúc lục lại ổ cứng cũ để xem ảnh, tôi tìm được một đoạn clip bạn đã quay khi ăn sáng ở quán bánh cuốn nằm ngay lối vào phố cổ và chợ Đồng Văn (cũ), Hà Giang. Nỗi nhớ cồn cào quay về.
Quán có bếp nằm ngay dưới cửa sổ quay mặt ra đường, buổi sớm nắng lên lẫn với khói bếp và hơi nước, tạo cho khuôn cửa một vẻ hư vô và ảo ảnh, trông vừa liêu trai bí ẩn vừa quyến rũ gọi mời.
Tôi thường ngồi ăn ngay tại góc bàn tráng bánh, chật chội nhưng thấy thân thiết lạ lùng. Tôi thích được ngửa cổ nhìn lên xuyên ô cửa, ngắm những bóng người đi chợ vụt qua,vài khách hàng dừng bên ngoài ô nắng và hỏi mua hàng.
Cách làm bánh cuốn của quán hình như không khác gì bánh cuốn dưới xuôi lắm. Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng. Nồi hấp đặt trên bếp củi hồng rực, không phân biệt đâu là khói lửa, đâu là hơi nước và ánh nắng.
Chị Hà, chủ quán vừa chuyện phiếm với khách vừa kề cà với người nhà, vừa liên tay xoa bột lên bề mặt miếng vải căng mỏng trên miệng nồi hấp. Sau khi đậy vung chờ bánh chín thì cuộn nhân thịt nạc băm kỹ với mộc nhĩ, nấm hương, múc nước chấm cho khách.
Trẻ con đến quán, kể cả người lớn, đều thích bánh cuốn cuộn nhân trứng, chỉ lấy lòng đỏ cho vào nồi hấp chín cùng với vỏ bánh, rồi chan nước dùng hơi mặn, hơi chua, hơi ngọt, lại rắc đầy tiêu và rau mùi lên, trông thật hấp dẫn và… đúng là, nuốt nước miếng.
Cũng bánh cuốn thịt hay bánh cuốn trứng, vừa tráng xong vẫn còn nóng hổi, nước chấm pha nhạt, hành khô phi… Nhưng trong đĩa bánh còn có mùi vị của tiêu rừng, ớt rừng, cái mùi vị không lẫn và đâu được. Thơm lừng. Cái mùi vị mà sau này tôi mới nhận ra không một nơi nào có được bởi cao nguyên đá Đồng Văn là chỉ có một.
Tôi không biết nữa, chỉ biết nếu có dịp về chợ Đồng Văn cũ, tôi tin mình sẽ lại muốn ngồi trong khuôn cửa đầy khói bếp và nắng lóng lánh ấy để thưởng thức món bánh cuốn miền cao…
Nguồn: TTO