Chẳng biết từ bao giờ mà cái tên Cu đơ nay đã trở thành “thương hiệu” đối với người dân xứ Nghệ. Nếu nói đến chè xanh mà không nhắc đến kẹo Cu đơ quả là thiếu sót.
Theo lời kể, Cu đơ là tên gọi trìu mến một người con trai đầu lòng có tên là cu Hai (ở Nghệ an, con trai cả thường gọi là cu), ông sáng chế ra kẹo “lạ” trong một hoàn cảnh đặc biệt. Vì không nghĩ ra cách gì để đãi khách quý, bí quá, sẵn có chai mật và lạc khô trong nhà, ông đem trộn đều và bắc đại lên bếp đun sôi, khi đổ ra mâm, lót thêm lá chuối thấy nhanh giòn và đẹp mắt, vị khách gật đầu tấm tắc khen ngon và có hương vị lạ. Từ đó, ông đặt luôn tên là kẹo cu Hai. Số “hai” tiếng pháp gọi là “đơ”, do đó người ta gọi đùa là Cu đơ cho dễ nhớ…
Trải qua bao biến cố, dòng chảy của thời gian, cái tên Cu đơ đã trở thành thân thuộc, không còn xa lạ trong vùng. Tuy chiếc kẹo trông xù xì, thô ráp và đã được thay đổi nhiều như: hình dáng, màu sắc, to, nhỏ khác nhau, cái thì nhỏ, khuyết, cái lại to tròn như vầng trăng đêm rằm… nhưng hương vị thì không thể lẫn vào đâu được, vị ngọt của mật mía Tân Kỳ, thơm nồng của gừng tươi, bùi bùi giòn tan của lạc và bánh tráng mè. Miếng kẹo Cu đơ như hội tụ nhiều “cái lạ” mà người thưởng thức vì thế mà cảm nhận được sự thân quen.
Vào hè, những lúc nông nhàn việc đồng áng, người dân quê tôi lại quây quần bên nhau. Phụ nữ tất bật làm kẹo, nấu nước chè xanh để kịp đãi khách. Đàn ông ngồi chuyện trò, nói cười rôm rả. Cuộc sống của người dân xứ Nghệ vì thế mà tích tụ dần đức tính chịu thương, chịu khó. Tuy quanh năm vất vả, cực nhọc nhưng họ hiểu rằng, giữ gìn truyền thống hiếu khách và tấm lòng đôn hậu chính là giữ gìn nét văn hóa cho làng Việt mai sau.
Kẹo Cu đơ chính là “đặc sản” của dải đất miền trung gió lào cát bỏng, được hình thành trong đời sống nhọc nhằn của người dân. Bởi vậy, ai về xứ Nghệ không bao giờ quên mang Cu đơ làm quà, cái tên gọi và hương vị đã thấy gần gũi, mang đậm chất thôn quê. Hàng năm, cứ cuốn theo mùa và nhịp sống, xuân qua hè đến, du khách lại trở về miền trung, bởi họ cảm thấy nhớ món ăn dân dã! “lạ mà quen”.
Nguồn: LangViet Online