Sa mưa, những cây me cổ thụ bắt đầu thay lá mới, xanh non, mướt mắt. Đó cũng là lúc những bông me màu vàng chanh bắt đầu xuất hiện lấm tấm trong nền màu xanh tươi thắm. Mưa già, bông me trở thành những trái me non, nhỏ cỡ ngón tay út, lủng lẳng khoe mình trên những tàng cây cao.
Đó cũng là lúc những cây gừng bắt đầu ra củ. Những củ gừng non ngoài việc xắt lát ngâm giấm đường, làm thành món dưa, còn có một công dụng khác, hợp với me non, tép rang mặn và ớt sừng trâu thành một món ăn, có thể nói, ai một lần thưởng thức cũng đều mê. Đó là món “poọc cà nhạy”.
“Poọc cà nhạy” là tiếng Khmer để gọi món ăn dân dã này của họ. Để có món “poọc cà nhạy”, người ta rang tép nguyên con lặt bỏ đầu, với chút đường chút mỡ và thật mặn. Con tép sau khi rang, no mỡ, bóng lưỡng với màu vàng sậm bắt mắt. Me non cỡ ngón tay cái, chưa có hột, là lúc vỏ me chưa cứng và có vị chua vừa phải. Me rửa sạch, bẻ từng khúc cho vô cối. Gừng non, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, cắt lát bự, cho vô cối. Ớt sừng trâu rửa sạch, cắt khúc, cho vô cối. Tép rang chín, cho vào cối. Sau cùng, cho vô cối chút bột nêm. Vậy là, tay cầm chày giã nhẹ cho hỗn hợp này nát mà không nhừ, trộn đều, cho vô chén hoặc hộp nhựa, ép thật chặt trước khi trút ra dĩa để món ăn có hình chén úp hoặc hình tháp cụt đẹp mắt.
Thưởng thức “poọc cà nhạy”, trước hết bằng mắt. Dĩa “poọc cà nhay” có hỗn hợp pha màu đẹp, với màu xanh non của me, màu vàng sậm của tép rang, màu vàng nhạt của gừng và điểm xuyết thêm là màu đỏ tươi của ớt. Vậy là cầm đũa gắp từng miếng cho vào miệng, và nhai.
Nhai “poọc cà nhạy”, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều cảm giác thú vị. Khi thì vị ngọt của đường hòa lẫn vị mặn béo của thịt tép. Khi thì gặp vị chua của me non, hoang dã với vị chát chát của vỏ me non, thật khó diễn tả. Rồi vị cay dịu ấm áp bụng dạ của những miếng gừng non xừn xựt chân răng.
Đâu đã hết, vị cay của ớt như một nốt “thăng” khiến bản hòa tấu hương vị của các nguyên liệu kia “bay bổng” lên cao. Vừa nhai vừa hít hà, chảy nước mắt nước mũi. Vậy mới đã. Đã hơn là khi nó trở thành món nhắm dành phục vụ các đấng ông chồng “trở bữa’ trong một chiều âm u mưa gió, lành lạnh, trở thành một buổi ấm áp thân tình anh em, khó quên.
Tuy là món ăn dân dã của bà con dân tộc Khmer, nhưng không hiểu sao “poọc cà nhạy” không có mặt ở những vùng khác có nhiều đồng bào dân tộc này cư ngụ, ngoài địa phương Cầu Kè (Trà Vinh)? Chính vì vậy mà những lúc cao hứng, gặp “mùa” là tôi đều trổ tài nội trợ của mình với món ăn đơn giản, nhưng ngon và lạ miệng. Và, tất nhiên, ai cũng đều tấm tắc ngợi khen. Tuy nhiên, đặc điểm đáng quan tâm của “poọc cà nhạy” là ngoài việc trợ tiêu hóa, kích thích dịch vị, còn là một món ăn “sinh thái”, rất phù hợp với những người không muốn thể trạng mình béo phì vì “thịt thà cá mắm”…
Nguồn: Báo Đất Việt