Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam.
– Phân chia hành chính: Tỉnh Quảng Ngãi bao gồm 1 thành phố trực thuộc và 13 huyện trong đó có 1 huyện đảo, 1 huyện trung du, 6 huyện đồng bằng, 6 huyện miền núi.
– Địa lý với diện tích: 5.153,0 km²
– Dân số 2011 tổng cộng: 1.221.600 người
– Mật độ: 237 người/km²
Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc
Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ nằm dưới bóng cây cổ thụ, được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716. Cũng trên đỉnh núi còn có một khu bảo tháp gìn giữ thi hài các vị sư tổ trụ trì và mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947).
Núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh và là “núi thiêng” của người Quảng Ngãi. Năm 1990 núi Thiên Ấn – chùa Thiên Ấn – mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia.
Di tích lịch sử Sơn Mỹ
Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ gồm địa điểm thứ nhất ở xóm Thuận Yên (nay là xóm Khê Thuận), nơi lính Mỹ đã giết 47 người thuộc thôn Tư Cung. Ðịa điểm thứ hai ở xóm Mỹ Hội (nay là xóm Khê Hội), nơi lính Mỹ đã giết hại 97 người thôn Cổ Lũy.
Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía đông bắc. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Với chủ trương: đốt sạch, phá sạch, giết sạch chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, bị cả loài người lên án. Khu di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ là một tổng thể các địa điểm nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ đối với đồng bào ta.
Khu chứng tích Sơn Mỹ, diện tích 2,4ha, nằm ở xóm Khê Thuận (thôn Tư cung, xã Tịnh Khê) cạnh tỉnh lộ 24B từ thành phố Quảng Ngãi đi Sơn Mỹ – Mỹ Khê – Sa Kỳ và cách cụm di tích ruộng ông Nhiều, tháp canh, đường làng khoảng 400m. Di tích nằm tách biệt với nhà dân bao gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình về sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày bổ sung, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn.
Cụm di tích: ruộng ông Nhiều, tháp canh, gốc cây gòn nằm ở xóm Khê Thuận và điểm di tích vườn ông Phạm Minh (Khê Ðông), Phạm Hội (Khê Tây).
Ðiểm di tích: hầm chống pháo của gia đình ông Lý Lệ, ông Ngô Mân tại xóm Mỹ Hội (thôn Cổ Lũy).
Các điểm di tích mộ chôn chung các nạn nhân bị thảm sát.
Bên cạnh giá trị lịch sử, khu di tích Sơn Mỹ là nơi ghi tội ác điển hình của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, là nơi tưởng niệm 504 đồng bào ta đã ngã xuống. Sơn Mỹ còn có giá trị về du lịch: nó nằm trong tuyến du lịch Thiên Ấn (khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng) – Châu Sa – Sơn Mỹ – Mỹ Khê – Dung Quất. Hàng năm có hơn 5 vạn người đến Sơn Mỹ tham quan. Hiện nay, mỗi tháng có gần 3.300 lượt khách đến tham quan.
Ðến Sơn Mỹ hôm nay, du khách có thể dừng lại trước bức tượng để cảm nhận nỗi đau tột cùng của nạn nhân Sơn Mỹ ngày ấy. Bên trong nội thất Nhà Chứng tích, du khách có thể xem nhiều hiện vật còn được lưu giữ: đó là chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ, chiếc mõ tụng kinh của nhà sư Thích Tâm Trí còn tìm lại được. Trong những hiện vật đó còn tìm thấy chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh. Sau khi cô bị sát hại, người yêu cô đã tìm nhặt lại được chiếc kẹp tóc ấy, trân trọng giữ gìn nó suốt 8 năm trời trước khi giao nó cho Nhà Chứng tích…
Bên ngoài khuôn viên chứng tích, rải rác đó đây trong các xóm thôn là những tấm bia dựng lên ở các địa điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết. Ðây là tháp canh ở rìa làng, bên con đường đất nhỏ xã Thuận Yên với 102 người bị bắn chết. Kia là cây gòn nơi 15 phụ nữ và trẻ em bị sát hại.
Ở xóm Mỹ Hội, bây giờ bóng dừa đã vươn cao, ngoài kia biển xanh vẫn xua những đợt sóng bạc đầu vào bãi cát vàng sạch sẽ, duyên dáng, đúng là một cảnh đẹp có hạng ở Việt Nam. Giữa những khung cảnh trầm lắng thân thương ấy là tấm bia ghi dấu 97 người dân ở xóm bị tàn sát ngày nào.
Khu chứng tích Sơn Mỹ thường xuyên đón khách đến tham quan. Họ là các thương gia, các nhà khoa học, khách du lịch đủ mọi quốc tịch, đặc biệt ngày càng có nhiều người Mỹ đến thăm nơi này tỏ lòng thông cảm với những nỗi đau sâu sắc của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.
Bãi biển Sa Huỳnh
Từ Hà Nội du khách có thể đi ô tô hoặc xe lửa để tới Sa Huỳnh. Nếu đi xe lửa, tàu sẽ dừng tại ga Sa Huỳnh ở cây số 985. Bãi biển nằm sát quốc lộ 1A, thật là một điểm du lịch lý tưởng. Chính vì vậy ngành Du lịch đã cho xây dựng motel Sa Huỳnh để đón du khách dừng chân nghỉ lại đôi, ba ngày tắm biển cho lại sức, rồi tiếp tục hành trình. Nếu đi đường biển, du khách có thể xuất phát từ cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn hay bất cứ cảng nào thuận tiện cho du khách rồi cập bến cảng Sa Huỳnh.
Núi Răng Cưa
Về Trà Bồng nói đến núi Răng Cưa thì dân Cor nơi đây ai ai cũng biết. Núi Răng Cưa bên cạnh phía bắc huyện Trà Mi của tỉnh Quảng Nam láng giềng. Núi Răng Cưa nổi tiếng không chỉ vì độ cao mà chính là vì hình dạng độc đáo của nó.
Truyện cổ tích dân tộc Cor bản địa kể rằng, xưa có một nàng công chúa con vua trời (Mặt Ngây) xinh đẹp nhưng thích phiêu lưu, thích cưỡi ngựa, bắn cung, đua thuyền. Nàng tâu xin vua cha cho thần mưa phun nước ngập hết khắp nơi, khắp vùng Trà Bồng chỉ còn mấy ngọn núi là nhô đầu lên khỏi mặt nước. Công chúa cùng đoàn nữ tì mặc sức bơi thuyền rong chơi trên mặt nước mênh mông như biển cả. Mỗi lần qua một ngọn núi, nàng đều ngỏ lời xin thần núi cho mình chèo thuyền vượt qua. Lần nào thần núi cũng nể mặt mở cửa cho đi, lâu dần nàng đâm ra hách dịch, cứ tự tiện cho lính mở cửa để băng qua. Ðến lần nọ, thần núi giận lắm, bèn đóng chặt cửa. Mặt Ngây cả giận ra lệnh cho ba chiếc thuyền xuyên vút qua núi, núi liền lở thành ba đường mà thuyền chỉ hơi chòng chành. Ba đường do mũi thuyền cắt ra ấy có hình dạng như những chiếc răng cưa của lưỡi cưa nên gọi là núi Răng Cưa. Khác với nhiều ngọn núi khác, núi Răng Cưa có đến ba đỉnh nhọn hoắt trên đầu núi, gây nên một ấn tượng rất mạnh và khó quên. Ở huyện Trà Bồng, nếu núi Cà Ðam cao nổi tiếng, như là tượng trưng cho dân tộc Cor anh dũng chống giặc ngoại xâm từ những năm ba mươi đến cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi tháng 8/1959, thì núi Răng Cưa lại gắn với huyền thoại và như một hình ảnh tiêu biểu của thiên nhiên nơi đây: lớp lớp núi đồi lớm chởm, sông suối chia cắt vùng đất một cách bạo liệt. Nhìn núi Răng Cưa, người ta thấy ngay được đặc điểm của cả vùng sông núi Trà Bồng, cũng như đến Trà Bồng, hình ảnh đập ngay vào mắt, rất ấn tượng, chính là núi Răng Cưa.
Bãi biển Mỹ Khê
Bãi biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B, cách cảng Dung Quất 16km và gần cảng Sa Kỳ, cách khu chứng tích Sơn Mỹ 3km, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đổ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú.
Hàng năm khách du lịch đến bãi biển Mỹ Khê ngày càng đông. Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển và hít thở bầu không khí trong lành, du khách còn có dịp thăm quan tưởng niệm khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ. Tỉnh Quảng Ngãi đã có qui hoạch tổng thể khu du lịch Mỹ Khê với diện tích 342ha để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi như khách sạn Mỹ Khê, khu camping dành làm nơi cắm trại.
Thành Châu Sa
Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.
Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ 9, 10 thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là “trung tâm kinh tế” ở vùng phía nam. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m, chu vi chừng 4km được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được.
Khuôn viên của thành được bao bọc bởi những bờ hào khá sâu. Thành còn có hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà (người Chăm rất giỏi thuỷ chiến nên thường xây dựng thành quách ở gần những con sông lớn). Châu Sa là địa điểm có nhiều ưu thế về phòng thủ nên được các nhà quân sự chọn làm điểm xây thành. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nổi với Cổ Lũy vốn là tiền đồn của người Chăm. Vào những đêm tối trời chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ở đây là quan quân ở thành Châu Sa sẽ nhận ra tín hiệu cấp báo có quân giặc tới.
Ở gọng thành phía đông ngày xưa vốn là nơi sản xuất gốm. Qua khai quật người ta đã tìm thấy ở đây nhiều loại gốm với chủng loại văn hoá khác nhau. Ở vùng của biển Sa Kỳ và bến sông Vực Hồng vùng Thu Xà cũng tìm được những mảnh gốm có cùng niên đại với Châu Sa. Ðiều đó đã nói lên sự giao thương mở rộng giữa thành cổ với khu vực phụ cận qua mạng lưới đường thuỷ.
Ngoài ra người ta cũng phát hiện ra nhiều hiện vật gốm cổ như thẻ bài để đeo trên người gọi là “cút”. Các “cút” này dày 1cm, bề ngang 5cm và dài chừng 7-10cm. Cách thành Châu Sa chừng 500m có tháp cổ Gò Phố là nơi hành hương của các tín đồ Bàlamôn vào những ngày lễ. Trong thành cổ người ta còn tìm thấy dấu vết của một kho lương thực khá lớn. Người có công phát hiện ra thành cổ này là khảo cổ kiêm kiến trúc sư người Pháp H.Parmentier (vào năm 1924).
Năm 1988, qua một đợt khảo sát, PTS Lê Ðình Phụng ở Viện Khảo cổ đã phát hiện thêm gọng phía tây của thành. Và Châu Sa không chỉ có thành nội mà còn có thành ngoại với phạm vi rất rộng. Năm 1994, Bộ Văn hoá Thông tin đã công nhận thành cổ Châu Sa là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Nguồn sưu tầm Internet