Nguồn gốc ra đời
Bản thân từ “Halloween” có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là lối viết tắt cho “All Hallows’ Evening” (buổi tối của Lễ Chư Thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời.
Nhưng cũng có tài liệu cho rằng, lễ hội Halloween ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều từ lễ Samhain của dân tộc Celt, một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ai-len (Ireland) và miền Bắc nước Pháp…
Vào ngày 1/11 hàng năm, người Celt sẽ tổ chức lễ hội Samhain để đánh dấu cho sự kết thúc của mùa hè và thời tiết chuyển sang đông, đây cũng là thời điểm để khởi đầu một năm mới.
Họ tin rằng khi mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, tràn đầy bóng tối bắt đầu thì vào đêm trước của năm mới (tức ngày 31/10) ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt, điều này khiến cho những linh hồn đã khuất có thể tìm được đường về cõi người sống và tìm kiếm thân xác để hồi sinh. Do đó vào ngày này, người dân thường dập tắt các đám lửa trong nhà của họ, biến bản thân trở nên lạnh lẽo và hy vọng các linh hồn sẽ bỏ qua.
Đồng thời, họ cũng có tục lệ mặc các trang phục mô phỏng ma quỷ, diễu hành ồn ào quanh các khu phố để trấn an nỗi lo sợ các linh hồn.
Theo thời gian, lễ Halloween đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để có ngày lễ Halloween của riêng mình. Và cho đến ngày nay, lễ hội này đã trở nên phổ biến với nhiều quốc gia trên thế giới. Hãy cùng tìm hiểu xem các quốc gia trên thế giới chào đón ngày lễ này như thế nào.
Anh
Thay vì khắc bí ngô, người Anh sử dụng củ cải đường và gọi chúng là punkies. Với punkies trong tay, trẻ em đi từ nhà này sang nhà khác để xin tiền. Ở một số vùng, người Anh còn đặt đèn lồng củ cải đường trước nhà để dẫn đường cho những người đi lang thang trong đêm Halloween.
Vào dịp lễ hội người ta luôn bắt gặp những đống lửa rực cháy trên các đường phố nước Anh. Song khác với các Halloween ở những nơi khác trên thế giới những đống lửa này không phải để xua đuổi tà ma và các linh hồn lang thang mà để nhắc đến câu chuyện của Guy Fawkes, người có ý định làm nổ tung Toà nhà Hội động ở London vào 1605 theo lịch của nhà thờ. Ông ta bị giáng một cái chết thê thảm. Ở thành thị, người ta sẽ diễu hành ở các đường phố, hát bài hát “Punkie night song” và không quên mang những củ cải đường đã được chạm khắc theo. Người Anh còn có một tập tục nữa là ném đá, rau cải và quả hạch vào lửa để xua tan sự sợ hãi những linh hồn lẩn khuất. Trò “trick or treat” cũng rất được yêu thích tại nước Anh.
Ireland
Halloween ở đây không khác so với nước Mỹ là mấy. Giống như người Mỹ, người dân Ireland cũng hóa trang và đi dự tiệc.
Trò chơi truyền thống trong ngày Halloween ở đây là buộc một quả táo sau đó treo lên một cành cây hoặc khung cửa. Những người tham gia trò chơi sẽ phải nhảy càng cao càng tốt để cắn được quả táo. Người chiến thắng sẽ dành được phần thưởng là tiền hoặc kẹo.
Món ăn truyền thống trong lễ Halloween của người Ireland là món “barnbrack”, một loại bánh nướng trái cây. Người ta sẽ bọc một cọng rơm hoặc một cái vòng nhỏ lại bằng vải và đặt vào chiếc bánh. Nếu người nào ăn trúng miếng bánh có chiếc vòng thì tin “hỷ” sẽ chóng tới, còn nếu tìm thấy được cọng rơm thì đó là một năm làm ăn thịnh vượng. Trẻ em vẫn chơi trò “trick or treat” quen thuộc của chúng trong đêm Halloween.
Tây Ban Nha
Trong những ngày lễ Halloween, người dân Tây Ban Nha sẽ đến thăm nghĩa trang, làm sạch các ngôi mộ và dùng bữa ngoài trời ở đây.
Người dân ở Tây Ban Nha ăn mừng Halloween khá đơn giản. Họ tin rằng các linh hồn sẽ trở về vào dịp này, do đó họ đang chuẩn bị những thứ dành cho các linh hồn người thân đã mất.
Họ chuẩn bị những món mà người thân ưa thích, bánh kẹo, hoa, nước uống và cả một chiếc khăn để các linh hồn dùng trong “bữa tiệc”. Họ cũng đến thăm nghĩa trang, làm sạch các ngôi mộ và dùng bữa ngoài trời ở đấy.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản không tổ chức Halloween như phong cách phương tây. Mặc dù phong tục về ngày lễ này thì đều được người dân ở nơi đây hiểu rõ. Mọi người không gọi ngày Halloween mà họ gọi là Obon. Lễ hội này cũng dành cho những linh hồn đã khuất.
Người ta còn thắp nến trong các lồng đèn nhỏ và thả trôi trên các dòng sông. Lễ hội Obon thường được tổ chức vào tháng bảy hoặc tháng tám.
Philipines
Bất chấp ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Mỹ, quốc gia này vẫn duy trì lễ hội Pangangaluluwa truyền thống. Những người dân Philipines đi từ nhà này sang nhà khác, hát những bài hát truyền thống để xin tiền và đồ ăn. Trong dịp này, những cặp đôi yêu nhau còn trao cho nhau những tín vật.
Ngày nay, Halloween là một trong những lễ hội phổ biến, được nhiều người dân trên thế giới hưởng ứng nhất. Halloween đã xuất hiện khắp các vùng đất trên quả địa cầu, chỉ trừ những nơi không có con người sinh sống. Do trải qua nhiều vùng đất, kết hợp với những nền văn hóa khác nhau đã tạo nên một ngày hội halloween phong phú với những ý nghĩa riêng.
Nguồn: vietnamnet.vn, tochucsukienpro.com