Chinh phục những ngọn núi hùng vĩ là một trong những xu hướng du lịch mới của giới trẻ. Để đảm bảo an toàn và thành công cho chuyến đi, bạn cần lưu ý những điểm sau:
Thời gian leo núi
Tại Việt Nam, mùa khô từ tháng 11 hằng năm đến tháng 4 năm sau là thời điểm thích hợp cho các chuyến leo núi, băng rừng. Cần thiết phải nghiên cứu địa hình để quyết định thời gian di chuyển phù hợp nhằm đạt được mục đích cuối cùng.
Bạn nên lập kế hoạch cẩn thận cho những chuyến đi dài và khó khăn. Còn những chuyến đi ngắn và đơn giản hơn, bạn có thể đi vào thời gian thuận tiện trong năm.
Thời tiết đẹp ảnh hưởng rất lớn (50-60%) đến sự thú vị của chuyến đi, đến chất lượng ảnh chụp, sức khoẻ, độ nguy hiểm. Bạn cũng nên tìm hiểu về tuyến đường, địa hình, độ dài vv… để tính thời gian cho hợp với sở thích của mình.
Tập luyện trước khi leo núi
Các bác sĩ đã tư vấn rằng, những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, suy hô hấp và có thai không nên leo núi. Những ngày trước khi leo núi nên ăn đủ chất bổ dưỡng, đầy đủ vitamin C, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, thuốc lá và quan trọng là cần ngủ đủ 7giờ trên ngày.
Bạn cò thể tập đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, bơi, nín thở trong vòng 90 giây, đứng lên ngồi xuống từ 400 – 1000 cái liên tục, tập đứng thăng bằng một chân, nhắm mắt 90 giây… trước khi leo núi một tuần – một tháng để tăng độ bền, dẻo dai cho cơ thể.
Hành trang leo núi
Đi leo núi là hành trình rất mệt và vất vả vì thế hành trang mang theo nên gọn nhẹ với những đồ dùng thật sự cần thiết. Trang phục mang theo nên rộng rãi, giày cần phải là giày đinh có độ ma sát, sức bám cao. Bạn cũng nên sử dụng những miếng bọc đầu gối, khuỷu tay và một chiếc áo khoác dày vừa chống lạnh vừa tránh bị thương trong chuyến đi.
Ngoài ra, các hành trang khác phụ thuộc vào cung đường dự kiến: có lối mòn sẵn hay phải mở đường, có người vác đồ và dẫn đường hay không, thời gian của chuyến đi. Dao và đèn pin cũng là những vật dụng không thể thiếu.
Nước và thực phẩm
Khi leo mồ hôi ra nhiều, bạn sẽ có nhu cầu uống nước thường xuyên. Bạn nên uống theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ, để trong mồm cho nước từ từ tưới xuống họng.
Để có thể uống liên tục mà vẫn đi, bạn nên treo chai nước ngay trước ngực. Uống nước đúng cách giúp bạn tiết kiệm sức lực và bù đắp lại năng lượng đúng lúc.
Ngoài các đồ ăn cần thiết cho cả hành trình, cần thiết phải có đồ ăn dự trữ năng lượng cao (sôcôla, bánh snicker) luôn mang theo người.
Các vật dụng cần thiết
Gậy: Có thể là gậy chuyên nghiệp cho leo núi hoặc chỉ cần một cành cây chắc chắn. Gậy sẽ “đỡ” cho trọng lượng cơ thể của bạn rất nhiều nhất là những lúc “xuống núi”.
Bật lửa: bật lửa có thể giúp bạn đề phòng rất nhiều rủi ro trong khi leo núi như lạnh, lạc đường…
Đồng hồ điện thoại: Đây là hai vật dụng chắc chắn là cần thiết. Khi đi leo núi ở nước ngoài, nên sử dụng dịch vụ roaming cho điện thoại.
Mũ, găng tay giữ ấm, không thấm nước: Có nhiều đỉnh núi cao, khi leo núi bạn phải đối diện với cái lạnh, mưa… do đó nón, găng tay nên chọn loại không thấm nước. Nên chọn nón bịt che kín mũi, miệng, tai.
Một vài chú ý
Trong vùng rừng núi muỗi, vắt, rắn là những vấn đề mà bạn cần quan tâm. Trước khi đi bạn hãy tới những tiệm thuốc mua cho mình những loại thuốc phòng trừ muỗi vắt.
Trong chuyến du lịch bạn nên mặc kín nhất là phần chân phải đi giày, chọn những nơi nghỉ ngơi quang đãng, sạch sẽ để tránh những loại rắn rừng. Bạn cũng đừng nên tùy tiện ăn trái cây hay rau củ rừng nếu chưa thật sự biết về nó bới nếu không rất có thể bạn sẽ gặp những loại rau quả độc, rất nguy hiểm.
Tổ chức nhóm đi nhỏ, gọn, phù hợp cho những lộ trình hiểm hóc. Đừng bao giờ quên đặt an toàn cá nhân lên hàng đầu, không được phép đưa ra các quyết định liều lĩnh, nguy hiểm cho mình và các thành viên khác trong đoàn.
Nguồn dulich.vnexpress.net