Nhóm chúng tôi từ TP.HCM muốn tự thiết kế tour du lịch Hà Tiên cuối tháng 5 này. Nghe nói nhiều về vùng đất phía Tây Nam này nhưng chưa biết cách đi đứng sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Mong được chuyên mục tư vấn. Xin cảm ơn.
Quynh Anh ( quyanh_1982@…)
– Trả lời:
Hà Tiên là một dải đất hẹp nằm ven biển thuộc tỉnh Kiên Giang nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp như Bình San điệp thúy (núi dựng một màu xanh), Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây), Đông Hồ ấn nguyệt (hồ phía đông in hình trăng), Châu Nham lạc lộ (cò về núi ngọc), Lộc Trĩ thôn cư (xóm quê Mũi Nai)…(*). Địa hình đa dạng với đồng bằng, đồi núi, sông, biển… đã tạo nên nhiều cảnh đẹp tại vùng đất Hà Tiên.
Hướng dẫn đi lại
Xe máy:
Có rất nhiều cung đường để đi từ TP.HCM về Hà Tiên.
Các bạn có thể chạy xe theo quốc lộ 1, qua cầu Mỹ Thuận quẹo phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc, qua phà Vàm Cống để sang Long Xuyên (An Giang), rồi từ Long Xuyên chạy xe theo quốc lộ 91 để về Châu Đốc. Từ Châu Đốc dọc theo kênh Vĩnh Tế để đi về Hà Tiên.
Nếu không bạn có thể theo cung đường đi dọc biên giới Việt Nam – Campuchia: đi theo quốc lộ 1 đến Long An quẹo phải theo quốc lộ 62 (đi Mộc Hóa, cửa khẩu Bình Hiệp). Rồi dọc theo đường sát biên giới Việt Nam – Campuchia để đi Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc, Hà Tiên.
Xe khách:
Các hãng xe chạy tuyến TP.HCM- Châu Đốc thường khởi hành từ bến xe miền Tây hoặc tại văn phòng các hãng xe ở TP.HCM. Trung bình khoảng 1 tiếng có một chuyến khởi hành.
Chú ý: Một số hãng xe chỉ chạy tuyến TP.HCM- Rạch Giá chứ không chạy Hà Tiên, vì vậy khi đặt vé các bạn nên hỏi kỹ.
Phương tiện đi lại tại Hà Tiên
Phương tiện thuận tiện nhất để khám phá Hà Tiên là xe máy, xe lôi (hiện phương tiện này không còn phổ biến như trước đây nữa).
Nếu tham quan trong nội ô thị xã Hà Tiên (lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo…) các bạn có thể bắt xe lôi để đi. Còn nếu đi tham quan khu vực “vùng ven” (Mũi Nai, các núi, động…) có thể thuê xe máy để đi lại cho tiện.
Một số điểm tham quan tại Hà Tiên
+ Đền thờ họ Mạc (lăng Mạc Cửu): là khu thờ dòng họ Mạc mà khởi đầu là ông Mạc Cửu – người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên.
+Thạch động:Thạch động còn được gọi thạch động Thôn Vân (động đá nuốt mây) là một tảng đá xanh khổng lồ cao 80m nằm trơ trọi giữa một vùng đất rộng. Đứng ở lưng chừng núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị xã Hà Tiên thơ mộng thu nhỏ, thấy các phum sóc của người Campuchia dọc biên giới ẩn hiện dưới chân đồi.
+ Núi Đá Dựng: cao khoảng 100m, có hình thang cân giống như một bức bình phong của dãy đất Hà Tiên. Trong “Thập cảnh Hà Tiên”, Mạc Thiên Tứ gọi núi Đá Dựng là Châu Nham Lạc Lộ có nghĩa là “cò về núi Ngọc”.
+Chùa Phù Dung còn gọi là chùa Phù Cừ – tên một ái thiếp của Mạc Thiên Tích. Được Mạc Thiên Tích hết lòng yêu thương nên bà bị vợ Mạc Thiên Tích thù ghét, hãm hại. Khi bà đi tu, Mạc Thiên Tích xây dựng ngôi chùa này.
+Chùa Tam Bảo (sắc tứ Tam Bảo tự): Sau khi mẹ của Khai trấn Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu quy y cửa Phật, ông đã cho xây dựng chùa Tam Bảo để có nơi chốn cho mẹ tu hành trong những năm cuối đời. Chùa Tam Bảo từng được ca ngợi qua bài vịnh Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích.
+Mũi Nai: Cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 10km về phía tây bắc, Mũi Nai được biết đến với bãi tắm hoang sơ, êm đềm. Cảnh đẹp Mũi Nai được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài xướng Lộc Trĩ thôn cư.
Ngoài ra còn có khu chợ đêm, Hòn Chông…
Lưu trú:
Đến Hà Tiên, các bạn có thể lưu trú tại khu vực trung tâm thị xã Hà Tiên hoặc khu vực biển Mũi Nai (cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 10km).
Tại Hà Tiên các khách sạn, nhà nghỉ tập trung chủ yếu tại khu vực chợ Hà Tiên hoặc khu vực chợ đêm.
Ăn uống:
Khu chợ đêm và khu phố ẩm thực là nơi thu hút nhiều du khách dừng chân thưởng thức các món ăn. Một số món ăn được xem là đặc sản tại Hà Tiên nhưsò huyết, bánh canh chả ghẹ, gỏi cá trích, bún cá, biên mai, ốc giác…
Mua sắm:
Chợ Hà Tiên và khu chợ đêm là hai địa điểm mua sắm phổ biến nhất tại Hà Tiên. Các sản phẩm được nhiều du khách chọn mua là các loại hải sản (khô và tươi), đường thốt nốt, nước mắm…
TÙNG LÂM