Campuchia vốn không phải là đất nước nổi danh với những “thiên đường thời trang” của châu Á như Singapore, Thái Lan… nhưng đến đây không chỉ có Angkor Wat. Thủ đô Phnom Penh vẫn có thể là nơi du lịch tâm đắc của những người muốn mua sắm.
Campuchia quả thật có thể trở thành một cái chợ đặc biệt dành cho khách du lịch là những người nội trợ. Một chuyến đi chợ chừng hai ngày, đi xe buýt từ TP.HCM theo con đường cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh đến Phnom Penh, mất khoảng 5 – 6 giờ ngồi xe. Gạo là món đặc sản danh tiếng của Campuchia, rất mềm, dẻo, thơm, và ngọt, lại rẻ (gạo loại giá 7,5 USD/10kg). Cây lúa Campuchia được trồng theo kiểu sinh trưởng tự nhiên, không phân bón hay thuốc trừ sâu, và phục vụ nội địa là chính. Một hướng dẫn viên kinh nghiệm nhiều năm dẫn khách đi Campuchia cho biết, có đoàn du lịch 50 người, người nào cũng “vác” về 10 – 20 kg gạo. Người du lịch trở lại Phnom Penh chỉ để mua gạo.
Chợ Cây Tre (Phsa Orussey) ở Phnom Penh là địa chỉ bán gạo được biết đến nhiều. Ngoài ra, chợ còn một số mặt hàng khác như: hạt sen khô, lạp xưởng, các loại khô (đặc biệt là khô cá lóc, cá tra). Chợ Mới (Phsa Thmay) thì chuyên về áo quần, đồ lưu niệm, điện thoại, máy ảnh… Chợ Mới mang kiến trúc nghệ thuật rất đặc trưng tới mức được xem như một trong những biểu tượng của Phnom Penh. Dọc hai bên lối vào chợ là những dãy shop bán đồ lưu niệm: bưu thiếp, áo thun in biểu tượng Campuchia, tranh ảnh bằng bạc, đặc biệt là khăn quàng Krama đặc trưng. Ít người đến Campuchia để cập nhật xu hướng thời trang, nhưng điện thoại lại là “món” hấp dẫn. Điện thoại mới ở Campuchia tính ra rẻ hơn ở Việt Nam, dòng điện thoại càng cao cấp thì giá cả chênh lệch giữa hai bên tăng dần, có khi dao động từ 1 – 2 triệu đồng. Bên hông chợ Mới, là những dãy phố bán điện thoại second hand đầy đủ các nhãn hiệu và chủng loại, rất thu hút khách. Kinh nghiệm dành cho những người có ý định sang Campuchia mua điện thoại, là nên tham khảo giá trước trong nước, và “nhắm” sẵn dòng điện thoại mình muốn mua để có thể sang bên ấy mà “đọ” giá.
Lụa dệt thủ công cũng là món quà đặc trưng của Campuchia ở chợ Mới. Ở đây cũng nhiều cửa hàng buôn bán ngọc và đá quý: đá ruby, saphia… Nghe nói nguồn đá quý này từ phía Tây Campuchia, tuy nhiên, chỉ nên mua khi có một sự hiểu biết nhất định về mặt hàng này. Điểm đặc biệt nữa đối với du khách Việt, là quầy bán chè rất ngon của gia đình người Việt tại đây. Có đến hàng chục loại chè, từ chè đậu của Việt Nam đến món chè thốt nốt nước cốt dừa hay bí đỏ hầm đặc trưng của Campuchia. Khách dù không hảo ngọt mấy nhưng khi đến đây cũng “xơi” tù tì ít nhất hai ly.
Trung tâm thương mại Sorya, cách chợ Mới khoảng 2 con phố là nơi “cư ngụ” của hàng hiệu. Được coi là nơi mua sắm cao cấp ở Phnom Penh, nhưng thật ra “đẳng cấp” Sorya không sánh được những trung tâm thương mại tại Việt Nam. Đến đây, người mua sẽ dễ dàng có ngay kinh nghiệm mặc cả. Quần áo, túi xách được gắn tên những nhãn hàng lừng danh, đồng hồ Thụy Sĩ… tuy nhiên về giá cả và chất lượng thì không biết đâu mà lần. Người mua đừng “dại dột” trả tiền theo giá được niêm yết ngay trên mặt hàng. Một cái ví da của một hiệu “đại gia” trong làng thời trang được ghi giá 50 USD, nhưng cũng có thể thay đổi sau đó, còn chừng 1/2, thậm chí 1/3 con số đó, tùy theo khả năng mặc cả của người mua. Khu đường gần chợ Mới còn là nơi bán “đồ chơi” xe hơi làm cho nhiều khách du lịch Việt mê mẩn. Dân mê xe còn choáng ngợp trước những cửa hàng bán xe cũ tại Phnom Penh. Trên dưới 10 USD cho một chiếc xe đạp, xe máy trị giá chỉ hơn 200 USD và 500 USD cho một chiếc ô tô. Các loại xe second hand này được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản…
Khu chợ Nga ở Phnom Penh rộng rãi, hàng hóa cũng cực kỳ phong phú, là điểm ưa thích của dân du lịch bụi. Nổi bật nhất là VCD, DVD, CD và những sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Nga. Các loại nữ trang bằng vàng, bạc cũng được bày bán đầy khắp khu vực này. Khu chợ Nga cũng là nơi để mua vải và các phụ liệu may mặc. Và du khách có thể đặt may ngay tại các cửa hàng bản địa ở xung quanh khu vực này với giá khá mềm. Đến khu chợ Nga, có thể dễ dàng giao tiếp bằng tiếng Việt. Xung quanh khu chợ Nga, khách sẽ mê mẩn với những dòng sản phẩm bằng vàng, bằng đồng, hay những đồ cổ – đồ giả cổ (điều này tùy thuộc vào con mắt tinh tường của người mua) có xuất xứ chủ yếu trong khu vực Đông Nam Á. Đây được coi là một “show room” vỉa hè, trưng bày và bán những bức tượng Phật, những đầu tượng đá, hay bằng gỗ của các vị thần trong tín ngưỡng dân gian Khmer. Khách du lịch cũng có thể xem những nghệ nhân chế tác tượng: tạc hình, chạm khắc, làm giả cổ… ngay tại chỗ.
Phnom Penh còn là nơi để khám phá ẩm thực côn trùng đặc trưng của người Campuchia. Họ thích ăn dế, cào cào, châu chấu, nhện, bò cạp… Những dãy xe bán toàn côn trùng tập trung thành một cái chợ chồm hổm ven Sông ba dòng, gần Cung điện Hoàng gia. Hàng chục loại côn trùng được chế biến thành những món ăn chơi vừa lạ mắt, vừa lạ miệng, lạ tai. Loài nhện to đầy lông từ vùng biên giới Việt Nam chiên giòn với tỏi rất thơm, nhưng không dễ để can đảm bỏ chúng vào miệng mà nhai rau ráu. Hay những con chim sẻ bé xíu quay vàng ươm, đầu trụi lủi… Các món này phải dành cho khách cực kỳ sành ăn và… can đảm.
Bài & ảnh: Thủy Linh