Người đi du lịch đôi khi mắc bệnh nghiện chụp ảnh, đem theo đồ đạc lỉnh kỉnh, không chịu đặt vé sớm hay quá tiết kiệm…
Đem theo quá nhiều đồ
Ở nhà, bạn có tủ áo quần rộng rãi và muốn thay bao nhiêu đồ cũng được. Nhưng nếu tất cả những gì bạn có là một chiếc ba lô hay vali, đừng quá quan trọng vấn đề thời trang. Nhiều người khi đi du lịch đem theo quá nhiều áo quần, kết cục là mặc được chưa đến một nửa.
Hãy đem vừa đủ. Bạn không cần thay vài bộ một ngày trong cuộc hành trình. Hãy xếp vào vali những thứ đa dụng, dễ kết hợp và thêm chỉ một vài đồ dự phòng.
Không mua ngay thứ mình thích
Người du lịch thường nghĩ “sẽ quay lại cửa hàng đó sau”, hoặc “mình sẽ mua được một thứ rẻ hơn, đẹp hơn ở chỗ khác”… Đây hoàn toàn là một sai lầm, có thể bạn sẽ quên đường hoặc quá mệt, hoặc không còn thời gian để tìm lại cửa hàng yêu thích, và bạn sẽ bị ám ảnh suốt thời gian dài bởi thứ đồ đáng lẽ nên mua khi có dịp.
Khi đi chơi xa, hãy nuông chiều bản thân một chút, cứ mua những gì bạn nghĩ là đáng mua.
Không để ý đến dịch vụ điện thoại
Đi du lịch nước ngoài mà không hiểu thế nào là “chuyển vùng quốc tế” thì thật nguy hiểm. Ngoài ra, nhà mạng, thẻ sim, giá cước ở mỗi nơi mỗi khác. Bạn nên tìm hiểu và chuẩn bị trước, nếu không sẽ gặp phải tình trạng không có gì để liên lạc, hoặc phải trả một cái hóa đơn tiền cước cao ngất ngưởng.
Tin vào quảng cáo “gần trung tâm thành phố”
“Gần trung tâm thành phố” chỉ mang ý nghĩa tương đối. Nếu không cẩn thận, bạn có thể phải dành hàng tiếng đồng hồ trên các phương tiện công cộng, hoặc trả cả đống tiền taxi chỉ để đi từ khách sạn đến “trung tâm thành phố”.
Tiết kiệm những cái không đáng
Ví dụ như chen chúc trên một chuyến xe đầy mùi mồ hôi và mất thêm vài tiếng đồng hồ mới đến nơi cần đến chỉ vì muốn tiết kiệm vài USD. Nên nhớ khi đi du lịch, thời gian rất quý giá và sự thoải mái của bản thân mới là quan trọng nhất.
Không đậy chặt những chai, lọ đựng chất lỏng
Đem theo dầu gội, dầu xả, sữa tắm… lúc đi xa là cần thiết, nhưng không vặn nắp thật kỹ hay không bao bọc chúng cẩn thận là một thảm họa. Thử tưởng tượng cảnh mở vali và thấy áo quần đồ đạc nhầy nhụa trong đủ thứ chất lỏng. Đừng tự chuốc phiền toái vào mình!
Chủ quan trong việc đặt vé
Hãy cố đặt vé càng sớm càng tốt, dù không phải trong mùa cao điểm. Bạn sẽ đỡ lo lắng về việc cháy vé. Hơn nữa, việc đặt mua sớm có thể giúp bạn tìm được loại vé giá rẻ và tiết kiệm được một khoản kha khá.
Mặc cả
Có thể mặc cả là thói quen của bạn ở nhà, nhưng khi đến một nơi lạ lẫm mà cứ đòi người bán hàng giảm vài đồng để mua thứ mà bạn chẳng bao giờ dùng tới thì không nên. Tất nhiên cẩn thận trong mua bán là tốt, nhưng để xảy ra cãi vã ở nơi không phải nhà của mình thì không hay chút nào.
Không đổi tiền tại sân bay
Nhiều người khẳng định không nên đổi tiền tại sân bay, nếu đổi ở chỗ khác sẽ có lợi hơn. Thực ra, sự chênh lệch tỉ giá không cao như bạn nghĩ. Bạn sẽ vất vả hơn khi tìm đường đi đổi tiền tại địa phương, chưa kể nguy cơ gặp phải những tên cò mồi khó chịu, thậm chí bị lừa.
Nếu không hoàn toàn tin tưởng, ít nhất hãy đổi một lượng tiền đủ dùng tại sân bay để đề phòng.
Không lường trước những rắc rối ở sân bay
Ví dụ như Heathrow, sân bay lớn nhất châu Âu, đồng thời có số lượng hành khách đông nhất toàn nước Anh. Hãy chắc là bạn đến đây sớm nhiều tiếng trước khi làm thủ tục, đề phòng trường hợp bị lạc hoặc phải đi bộ hàng km mới tới được phòng chờ. Hơn nữa, hàng người đợi làm thủ tục sẽ dài đằng đẵng và để chờ cho đến lượt sẽ vô cùng mất thời gian.
Mua dép rẻ tiền
“Mình chỉ đeo nó trong vài ngày, dùng xong vứt ngay thì mua đồ đắt tiền làm gì?” Suy nghĩ đó còn hợp lý đến lúc đôi dép mỏng manh bị đứt quai, há mõm còn bàn chân bạn thì chi chít vết thương nếu lỡ đi trên đoạn đường hơi gập ghềnh.
Không dám ăn đồ vỉa hè
Chẳng ai muốn bị ngộ độc thức ăn khi đi du lịch. Nhưng nếu đến Thái Lan hay Mexico mà không thử đồ ăn hè phố thì bạn đã quá cẩn thận. Người dân địa phương cũng không thích đồ ăn kém vệ sinh, nên hãy chọn những quán đông khách để bớt lo lắng phần nào.
Mua những thứ không cần thiết
Đúng là có lời khuyên bạn nên mua ngay thứ mình thích, nhưng không đồng nghĩa với việc vác về một cái trống trong ngày đầu tiên của chuyến du lịch một tháng. Thứ nhất, bạn sẽ phải di chuyển với thứ đồ nặng nề cồng kềnh. Thứ hai, liệu bạn có thực sự dùng đến nó?
Quá phụ thuộc vào sách hướng dẫn
Sách du lịch là cần thiết, trừ khi bạn muốn khám phá các địa điểm mới lạ. Những nơi được giới thiệu trong sách thì ai cũng biết rồi. Vả lại, nhiều cái ở ngoài khác xa trong miêu tả. Hãy chỉ dùng nó để tham khảo.
Không mua bảo hiểm đầy đủ
Nhiều thành phố có mức chi phí cực kỳ dễ chịu, trừ dịch vụ y tế. Nhớ mua đủ bảo hiểm du lịch nếu bạn không muốn trả một đống tiền viện phí hay thuốc thang khi bị ốm. Hơn nữa, công ty bảo hiểm còn san sẻ bớt gánh nặng nếu bạn lỡ gây tai nạn trong chuyến du lịch.
Quá ám ảnh với việc chụp hình
Bạn muốn lưu giữ mọi khoảnh khắc bằng cách chụp lại tất cả các con đường, góc phố, bức tượng, món ăn… Cuối cùng, máy ảnh tràn ngập hàng trăm tấm hình mà lúc về nhà bạn chẳng buồn xem lại hoặc chỉ lướt qua loa. Trong quá trình du lịch, bạn chẳng nhớ được điều gì đặc biệt vì quá bận chạy từ chỗ này qua chỗ khác với cái máy ảnh.
Không kiểm tra yêu cầu thị thực
Vì sơ suất đó, bạn có thể bị không cho lên máy bay tại vài nước. Nhiều quốc gia có những yêu cầu khắt khe về hộ chiếu. Bạn nên tìm hiểu kỹ vấn đề này tại nơi mình sắp đến.
Dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt
Các công ty tín dụng thu phí cao hơn (khoảng 15%) nếu bạn rút tiền bằng thẻ. Nếu bạn rút ngoại tệ, tỷ giá hối đoái cũng không được như bình thường. Tốt nhất, hãy đem theo tiền mặt và chỉ dùng thẻ khi cần nếu bạn muốn hạn chế những chi phí phát sinh.
Không ghi lại hoặc in thông tin ra giấy
Tên khách sạn, địa chỉ, thông tin đặt phòng… tất cả đều đã có trong điện thoại, máy tính. Nhưng bạn phải làm sao nếu không thể kết nối Internet ở nơi mình đến, hoặc các thiết bị điện tử bị hết pin, thậm chí bị mất cắp?
Tốt nhất là giữ ít nhất một tờ giấy ghi đầy đủ những điều cần ghi nhớ, sẽ có lúc bạn cần dùng đến nó.
Nguồn dulich.vnexpress.net