Đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa của Vietnam Airlines (VNA) lên 1,5 lần để đối phó với lạm phát khiến các doanh nghiệp du lịch như ngồi trên đống lửa.
Với mức đề xuất này, giá trần hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa cao ngất ngưởng: Chặng bay một chiều TP.HCM – Hà Nội từ 2,227 triệu lên tới 3,34 triệu đồng chưa tính 10% thuế VAT và các lệ phí khác; Chặng bay Hà Nội – Phú Quốc từ 2,727 triệu đồng lên 4,09 triệu đồng; chặng TP.HCM – Đà Nẵng từ 1,481 triệu đồng lên 2,222 triệu đồng….
Nếu cộng cả giá vé tăng vượt trần và các vé giá rẻ thì giá vé máy nội địa trung bình sẽ tăng 15% so với hiện tại.
Thời điểm này, đa số các tour lớn cuối năm và đầu năm 2012 đã được tiến hành thực hiện. Nếu đề xuất tăng giá được chấp thuận sẽ buộc các doanh nghiệp phải làm lại toàn bộ giá tour cũng như tiến hành thương lượng với khách hàng đã đặt tour. Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị lữ hành, giá vé máy bay tăng cao bất thường sẽ khiến khách hàng khó chịu về mặt tâm lý và khả năng hủy tour rất cao.
Ngay cả với khách inbound hạng sang, mức tăng có thể vẫn nằm trong khả năng chi trả của họ nhưng khó chịu về tâm lý sẽ khiến du khách mang ấn tượng không tốt về đơn vị tổ chức tour . Bởi hành trình của khách inbound cao cấp thường dài ngày và thường sử dụng phương tiện máy bay cho việc di chuyển giữa các điểm đến. Do đó, đây là đối tượng khách phải chịu sự điều chỉnh mức giá cao nhất và nhiều lần nhất cho cùng một tour.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch lớn sẽ chịu mức ảnh hưởng nhẹ hơn do họ có hệ thống dịch vụ khép kín, có lượng khách ổn định và có cơ hội được hưởng những gói khuyến mãi lớn từ hàng không. Còn doanh nghiệp nhỏ thì theo thông lệ không được mua giá rẻ trực tiếp từ VNA mà phải mua qua các hãng lớn được hưởng khuyến mãi.
Một chuyên gia du lịch cho rằng: “Việc tăng giá nếu được chấp thuận sẽ gây nguy hiểm cho các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí có thể giết chết một số doanh nghiệp nhỏ. Hồi đầu năm, trước mùa cao điểm du lịch nội địa, giá vé đã tăng 20% và cũng chỉ báo trước cho doanh nghiệp trước vài tháng khi mà các tour đã được chào hàng và bán trước đó cả năm. Mức tăng quá cao và quá đột ngột này nếu lặp lại sẽ khiến không ít doanh nghiệp hoặc phải chịu lỗ nặng hoặc đành phải “tráo trở” với khách hàng để tránh lỗ”.
Ông Lưu Đức Kế – Giám đốc Hanoitourist cho hay: “Trước khi có đề xuất tăng giá này, việc khai thác du khách của doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2009, nhờ chương trình kích cầu Ấn tượng Việt Nam với hàng loạt các chuyến bay, đường bay được mở, giá khuyến mãi, lượng khách nội địa tăng vọt lên cứu nguy cho du lịch đang bị khủng hoảng. Đến năm 2010, chính sách này không còn nữa thì lượng khách nội địa cũng giảm mạnh và chỉ số ít khách đoàn công ty sử dụng máy bay cho hành trình tour. Đến năm 2011 thì gần như hoàn toàn không có khách đoàn nội địa nào sử dụng phương tiện này ngoại trừ một số ngày cao điểm và đoàn khách MICE. Nếu việc tăng giá trần được triển khai, tôi e là sẽ không có khách nội địa bay”.
Cũng theo ông Lưu Đức Kế, nếu giữ nguyên giá các dịch vụ mặt đất, riêng giá tour sử dụng phương tiện máy bay đã phải tăng tối thiểu 15% bằng mức tăng giá vé trung bình. Song, đó là lý thuyết. Bởi sắp tới đây, giá điện cũng sẽ tăng kéo theo giá hàng loạt các dịch vụ mặt đất, đặc biệt là giá phòng khách sạn tăng theo. Chưa kể tình trạng “tát nước theo mưa” của nhiều đơn vị kinh doanh du lịch khiến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất khó xoay sở. Ông Kế dự đoán: giá tour trong thời gian tới sẽ không tăng tới 1,5 lần như giá vé máy bay nhưng chắc chắn mức tăng sẽ không thấp, trung bình vào khoảng 20-30%.
Việc đề xuất tăng giá và chấp thuận tăng giá nếu có rơi đúng vào thời điểm nhạy cảm của du lịch, khi các doanh nghiệp đang chạy đua khai thác khách cho mùa cao điểm du lịch nội địa cuối năm. Tình trạng khách hủy tour, trả tour, đổi tour khả năng cao sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, du lịch nội địa vốn đang khó cạnh tranh với du lịch outbound sẽ càng bị yếu thế hơn bởi giá vé nội địa mới sẽ cao hơn hoặc cao bằng giá vé đi các thị trường gần tới Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Điều này đồng nghĩa với việc các điểm du lịch trong nước sẽ thất thoát một lượng khách lớn tương đương với một nguồn thu lớn từ du khách nội địa.
Ông Lưu Đức Kế bày tỏ: “Nếu đề xuất tăng giá trần được phê chuẩn thì doanh nghiệp du lịch cũng buộc phải chấp thuận thôi bởi đơn vị nào cũng có lý lẽ riêng cho việc tăng giá, song kinh doanh du lịch là sự kết nối của các dịch vụ, nếu du lịch gặp khó trong khai thác khách thì hàng không cũng không có lợi. Trong khi đó, tình trạng thiếu ổn định về giá tour kéo dài từ cuối năm 2010 tới nay đang khiến du lịch Việt Nam bị giảm khả năng cạnh tranh trong khu vực”./.
Theo: Airtickets24h