Nghi lễ trung tâm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị “Tam vị Đức Thánh Tản”. Trước mỗi đoàn kiệu có đội múa lân hoặc ông tễu dẫn đường. .. Theo quan niệm dân gian, ai chui qua gầm kiệu ba lần, người đó sẽ cầu được vạn sự như ý vì thế già, trẻ, gái, trai, nhất là các em nhỏ ai cũng háo hức chen nhau chui qua gầm kiệu để xin phúc lộc, mong mạnh khoẻ, thông minh và may mắn.
Ở vùng quê xứ Đoài, nói đến hội đền Và, người ta vẫn thường truyền tụng câu ca:
“Cả năm đi lễ bao miền
Không bẳng cầu lễ tháng Giêng đền Và”
Lễ hội đền Và năm nay chính thức khai mạc vào ngày rằm tháng Giêng (tức 24/2 Dương lịch) kéo dài trong ba ngày.
Nghênh hội đền Và
Đền Và hay còn gọi là “Đông Cung” (thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là một trong bốn trấn cung thờ Tam vị Nhất thể đức Tản Viên Sơn Thánh. Đền Và là nơi Người thường về ngự giá, thăng đường để nghe muôn dân giãi bày, thỉnh cầu, ước nguyện.
Đức Thánh Tản được sắc phong là Thượng đẳng tối linh thần, đứng đầu trong “tứ bất tử”, là quốc chúa Đại vương có công lớn giúp Vua Hùng khai công lập quốc. Theo ngọc phả đền Và, cũng theo truyền thuyết trong dân gian, Đức Thánh Tản còn có công dạy dân lao động sản xuất, chống nạn hồng thuỷ, đánh giặc giữ nước… nên được muôn dân trong vùng thờ phụng.
Theo phong tục nước ta, lễ hội đền Và được tổ chức vào rằm tháng Giêng. Chính hội được tổ chức ba năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, rước Thánh qua sông Hồng về đền Ngự Dội dâng hương, làm lễ Mộc Dục trên quê hương Phong Châu, đạo Hưng Hoá, đất tổ Vua Hùng.
Năm nay chưa rơi vào chính hội nên theo nghi thức truyền thống, các làng Vân Gia, Nghĩa Phủ, Mai – Đạm Trai, Thanh Trì, Ái Mỗ, Phú Nhi, Phù Xa, Duy Bình tổ chức rước kiệu Lễ, kiệu Văn tưng bừng, náo nhiệt về đền Và mở hội.
Khách thập phương về trẩy hội đền Và được tham gia nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc suốt ba ngày, bao gồm: vật thờ, cờ tướng, chọi gà, kéo co, nấu cơm thi, chơi đu, văn nghệ dân gian…
Tục “chui gầm kiệu” cầu an
Nghi lễ trung tâm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị “Tam vị Đức Thánh Tản”. Trước mỗi đoàn kiệu có đội múa lân hoặc ông tễu dẫn đường. Mỗi chân kiệu được bố trí ba nam thanh niên thay nhau đảm nhiệm. Tiếng nhạc, tiếng trống tưng bừng, rộn ràng.
Các đoàn khởi kiệu từ rất sớm, trên lộ trình phải dừng chân tại nhiều ngôi đình như đình Hàng Đàn (Đinh Tiên Hoàng), đình Đông Giáp (Ngô Quyền)… để làm lễ. Lần lượt, kiệu nào xong kiệu sau mới được vào. Mỗi lễ xong, những người khiêng kiệu phải quay kiệu ba vòng rồi mới đi tiếp.
Hưởng ứng theo nghi lễ rước kiệu linh đình, người dân hai bên đường thường dựng rạp, bày hương án, dâng hương hoa lễ vật cúng vọng cầu phúc. Theo quan niệm dân gian, ai chui qua gầm kiệu ba lần, người đó sẽ cầu được vạn sự như ý vì thế già, trẻ, gái, trai, nhất là các em nhỏ ai cũng háo hức chen nhau chui qua gầm kiệu để xin phúc lộc, mong mạnh khoẻ, thông minh và may mắn.
Kiệu đi đến đâu, người dân dâng hương, vàng cầu khấn, công đức đến đấy. Những người tham gia giao thông cũng dừng chân làm công đức rồi mới tiếp tục hành trình. Người dân đổ ra đường hoà chung dòng người đi rước kiệu, ngày càng dài tiến về đền Và.
Là một trong những hoạt động lễ hội quan trọng nhất xứ Đoài, các đoàn rước kiệu được lực lượng công an thị trấn, phường xã tham gia bảo đảm lộ trình xuyên suốt.
Thập khách muôn phương tụ hội
Muôn khách du lịch đổ về đền Và đông nghìn nghịt. Ước tính lễ hội năm nay thu hút được hàng vạn người về trẩy hội, dâng lễ với quy mô liên thôn, liên xã, liên huyện, liên tỉnh của cả một vùng quê xứ Đoài.
“Lễ hội đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài. Lễ hội là cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo người dân hai bên bờ Nam – Bắc sông Hồng, hội tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc”, cụ Phùng Minh Sơn, chủ tế kiêm thủ nhang đền Và nói.
Lễ hội đền Và đến nay vẫn giữ gìn và phát huy được với những tập tục cổ, những quan hệ cộng đồng làng xã thấu tình đẹp nghĩa, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người xưa để lại cho thế hệ con cháu ngày hôm nay./.
Theo: Quê hương Online