Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết ngành du lich đã bàn với ngành hàng không liên kết đặt đại diện tại nước ngoài. Trước mắt hai bên sẽ thí điểm tại 5 thị trường trọng điểm trong năm 2010.
Tuy nhiên, ông Tuấn chưa cho biết sẽ chọn 5 thị trường nào.
Trước đó, tại cuộc hội thảo nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam, các đại biểu đã mổ xẻ những hạn chế của công tác này. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, xúc tiến du lịch là hoạt động ưu tiên hàng đầu của ngành, nhưng 10 năm nay ngành du lich Việt Nam không có đại diện tại nước ngoài. Việc xúc tiến không thường xuyên, không có trọng điểm, chủ đề không rõ ràng.
“Nếu kinh phí thấp, Tổng cục có thể liên kết với Vietnam Airlines đặt đại diện tại các văn phòng của hãng để giới thiệu thông tin cho du khách”, ông Khánh đề nghị. Đại biểu này cũng cho rằng bên cạnh việc đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài, nên thuê các công ty truyền thông chuyên nghiệp của nước sở tại tổ chức phát động sự kiện, bởi hơn ai hết họ hiểu rõ tâm lý, yêu cầu của du khách chính nước họ.
Ông Paul Stoll, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn quốc tế Celadon cũng cho rằng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên thuê hãng quảng cáo nước ngoài uy tín lập chiến lược quảng bá ra thế giới và họ là người thực hiện. Trong mỗi chiến dịch xúc tiến tại từng quốc gia, nên thuê các công ty quảng cáo sở tại vì họ hiểu rõ thị trường nhất.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng nhận xét, ngành du lich hằng năm chi số tiền lớn để tổ chức hội chợ ở nước ngoài, cử người mang nhiều ấn phẩm quảng cáo. Nhưng đến khi kết thúc hội chợ du lịch ở nước ngoài là các cán bộ thở phào coi như… xong, không xác định cơ quan nào có trách nhiệm giữ quan hệ với các đối tác.
Tại hội thảo, một số lãnh đạo địa phương đề nghị Tổng cục du lich ủy quyền và giao kinh phí cho các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ xúc tiến du lịch và chịu cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả. Hiện các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Nghệ An đã đề nghị Bộ giao quyền xúc tiến ở Trung Quốc, Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Đồng tình với đề nghị trên, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng dẫn ví dụ năm 2009, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ủy quyền cho TP HCM quảng bá khá thành công tại Australia, Malaysia.
10 năm qua, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam khoảng 150 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD), với hàng loạt chương trình, sự kiện và hoạt động xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước như ‘Việt Nam – điểm đến của thiên niên kỷ mới’, ‘Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn’.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo và liên kết, sản phẩm du lịch nghèo nàn, trùng lặp…
Trong năm nay Tổng cục Du lịch cho biết ngoài việc khuyến khích du khách trong nước đi tour nội địa, ngành sẽ thu hút khách quốc tế ở các thị trường gần như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Australia, New Zealand; mở rộng khai thác thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu, Trung Đông và Ấn Độ.
Đoàn Loan