Một thành phố nơi người ta tới để được… “chết”, không phải để tự tử, khách du lịch đừng nhầm, nơi ấy, người ta tới để trị liệu và làm dịu nỗi đau bệnh tật trước khi qua đời.
Đó chính là thành phố cổ Hierapolis ở một khu vực thiên nhiên nằm ở tỉnh Denizli, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực thiên nhiên vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc Pamukkale hay Lâu Đài Bông.
“Thành phố chết” – Khi người dẫn chương trình Ilknuk nói với chúng tôi chi tiết ấy, chúng tôi đã bật cười. “Tớ còn yêu cuộc sống lắm, chưa muốn chết.” Tôi quay sang đùa Ilknuk. “Không, một thành phố chết nhưng mọi người sống đều muốn đến. Ở đó có rất nhiều cô gái Nga xinh đẹp, các bạn sẽ thấy”.
Cuối cùng thì Pamukkale đã hiện ra, xóa đi đôi chút sự tò mò của chúng tôi, một mảng núi trắng lấp lóa trải dài như một dải lụa trong ánh sáng của những tia nắng cuối chiều. Cũng khá hùng vĩ nhưng chưa có gì ấn tượng, thị trấn khá vắng vẻ và yên ả. Cảm giác đầu tiên: một nơi lý tưởng để thư giãn và nghỉ ngơi hơn là du lịch.
Sự thực, nơi đây đã từng là nơi thư giãn hoàn hảo từ thời cổ đại chứ không phải bây giờ và chuyện người ta tới đây để “chết” là câu chuyện có thật của lịch sử.
Nhưng đến với Pamukkale những ngày nay chỉ có khách du lịch chứ không phải bệnh nhân. Pamukkale có gì mà hấp dẫn tới vậy, câu trả lời đến với chúng tôi khi trực tiếp leo lên đỉnh núi để thăm quan thành cổ vào buổi sáng hôm sau
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào khu du lịch Pamukkale là các suối nước nóng trên nền những dãy đá vôi lắng động hàng triệu năm bởi dòng chảy suối khoáng. Pamukkale có khoảng 17 suối khoáng với nhiệt độ từ 35 tới 100 độ C. Các suối khoáng trên nền đá vôi xếp tầng tầng lớp lớp trông rất ngoạn mục.
Các nhà sử học cho rằng các suối khoáng này chính là lý do khiến từ hơn 2000 năm trước, người dân đã về đây để tắm với mục đich thư giãn, làm dịu nỗi đau bệnh tật. Những bệnh nhân từ thời La Mã đã về đây tĩnh dưỡng và thậm chí qua đời khiến nơi này hiện còn rất nhiều những ngôi mộ. Cái tên thành phố chết xuất phát từ đó.
Tuy nhiên, giờ đây, thành phố chết lại trở thành một trung tâm du lịch sôi động xôn xao tiếng trẻ em và hình ảnh những cô gái mặc bikini từ khắp nơi, đặc biệt từ Nga và Đông Âu.
“Không có mấy cô Nga mặc bikini tắm trên các suối khoáng lộ thiên này, Pamukkale mất một nửa giá trị”. Anh bạn đi cùng chúng tôi bình luận trên con đường “lội nước” men theo các lớp suối khoáng.
Mất tới 30 phút đi bộ bằng chân đất dọc theo lớp suối khoáng, chúng tôi trở ra và bắt đầu đi ngược lên khu thành cổ phía trên. Thành phố cổ Hierapolis được xây dựng ngay trên đỉnh của Pamukkale có chiều dài 2700 mét và chiều rộng 600 mét.
Hiện có rất ít bằng chứng lịch sử về nguồn gốc của thành cổ này. Tuy nhiên, khi người La Mã chiếm được thành phố này vào khoảng thế kỷ 2 trước công nguyên, thành phố đã biến chuyển từ từ trở thành một thị trấn mang phong cách La Mã.
Người La Mã đã xây dựng ở thành phố này nhiều công trình quan trọng để phục vụ cho nhu cầu trị liệu bằng suối nóng ở đây bao gồm: nhà tắm kiểu La Mã, trường huấn luyện thể dục, một vài đền thờ và một khu phố chính với những hàng cột và đài phun nước.
Đặc biệt là một nhà hát khổng lồ với sức chứa 15.000 chỗ ngồi. Những công trình chứng tỏ Hierapolis đã từng là một thành phố nổi bật dưới thời đế chế La Mã với dân số lên tới 100.000 người và thương mại phát triển mạnh.
Nhà hát hoành tráng được xây dựng từ thời La Mã vẫn được giữ gần như nguyên vẹn
Tuy nhiên, những trận động đất mạnh ở thế kỷ 7 và đặc biệt ở thế kỷ 14 đã phá hủy toàn bộ thành phố và chôn vùi nó dưới một lớp đá vôi dày. Những cuộc khai quật từ giữa thế kỷ 20 bắt đầu trả lại gương mặt đã mất cho Hierapolis. Những hàng cột của khu phố chính được dựng lại, nhiều ngôi nhà từ thời Byzantine được đào lên và một viện bảo tàng được xây trên nền Nhà tắm của La Mã cũ.
Du lịch tới Hierapolis quá phát triển vào cuối thể kỷ 20 khi những suối nóng ở đây trở nên nổi tiếng. Người ta bắt đầu xây dựng hàng loạt khách sạn hiện đại ngay trên đỉnh thành cổ, dẫn tới sự phá hại không nhỏ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Những năm gần đây, những khách sạn này đã được dỡ bỏ, trả lại cho thành cổ sự yên tĩnh vốn có của nó. Tuy nhiên, bể bơi nước nóng của một khách sạn vẫn được giữ lại để du khách có cơ hội bơi trên những đổ nát của thành phố La Mã cũ.
Khuôn viên của bể bơi La Mã ấy là một không gian “tiên cảnh” nơi những cô gái Châu Âu bơi tung tăng trên những phiến đá và cột đá vụn vỡ của cổ thành.
Bể bơi trên nền đổ nát được viền quanh bởi những cây trúc đào hồng rực ấy là điểm nhấn cuối cùng và ấn tượng bậc nhất
Nguồn: VietNamNet