Khu di tích Chiên Đàn thuộc thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, được xây dựng từ cuối thế kỉ XI đầu thế kỉ XII và đã được Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Đà ( cũ) công nhận là Di tích văn hóa năm 1978. Qua 3 đợt trùng tu, di tích này đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lich trong và ngoài nước nhưng hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Lê Anh Tuấn, một cựu chiến binh thường xuyên trông coi và bảo vệ khu di tích tâm sự: “Ban đầu di tích chỉ rộng hơn 1 ha, sau đó nhờ sự vận động của chính quyền xã nên nhân dân tham gia hiến đất, đã mở rộng hơn 2 ha”. Khu di tích hiện nay chỉ có hai người trông coi, kiêm nhiệm vụ bảo vệ và bán vé. Vì vậy cỏ hoang mọc xung quanh che kín cả lối đi. Bảng chào đón đến với khu di tích Chiên Đàn cũng bị bong tróc, nham nhở tạo ấn tượng không tốt cho khách du lichghé thăm.
Tháp Chiên Đàn, một kiến trúc độc đáo của nền văn hóa Chăm hơn 1000 tuổi nằm trong khu di tích cũng đang rơi vào cảnh tương tự vì không được trùng tu. Lối đi vào cửa tháp được rào bằng cửa tre và tôn tạm bợ, khách du lich chỉ đứng ngoài nhìn. Do không có người thường xuyên trông coi và bảo vệ nên gạch đá ốp trên tháp đã bị bong tróc. Nhiều mảng tường bị nứt làm lộ rõ cấu trúc bên trong. Hình trang trí trên tháp chính không còn giữ vẻ đẹp nguyên vẹn nữa. Điều đáng nói là ngay trước lối dẫn vào tháp, nhiều dấu tích khai quật còn dang dở đang bị cỏ hoang mọc che lấp. Một cổ tự bia khắc chữ Phạn Ấn Độ quý giá cũng đang bị phơi sương phơi nắng. “Bia cổ đó được khai quật trong đợt trùng tu đầu tiên nhưng nhiều nhà khoa học đến đây không ai giải mã được văn tự trên đó bởi tấm bia này có niên đại hơn 1000 tuổi” Ông Tuấn nói.
Các cơ quan chức năng phải quan tâm hỗ trợ và huy động nguồn kinh phí để trùng tu khu di tích.
Nguồn: Báo QĐND