Trong bối cảnh chưa thể nâng cấp toàn bộ dịch vụ, hạ tầng thì muốn đón khách du lịch trở lại, du lịch Việt Nam chỉ nên tập trung đầu tư vào “dòng khách sang”.
Năm 2004, một hội nghị cấp bộ bàn về du lịch Việt Nam tổ chức tại Hội An đã đặt vấn đề lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam thấp, chừng 15%. Nay đúng 10 năm trôi qua, con số khách du lịch quay lại hằng năm vẫn không tăng.
Thậm chí, phải nhìn thẳng vào sự thật là 15% quay lại chủ yếu là những người đến Việt Nam vì công việc và Việt kiều về thăm thân nhân. Một phần rất nhỏ khách quay lại từ các nước láng giềng gần.
Rất nhiều hội nghị đem chủ đề đón khách cũ ra than phiền khi so sánh với tỷ lệ khách quay lại của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đạt được tỷ lệ đến 45-50%. Và những yếu kém triền miên của du lịch Việt làm cho khách không muốn trở lại được phân tích kỹ, nhưng chưa đủ để dập tắt tham vọng đuổi kịp các nước láng giềng về chỉ tiêu khách cũ quay lại.
Vậy tại sao không nhìn thẳng vào vấn đề với trình độ làm du lịch hiện nay, chỉ cần quảng bá và đầu tư để đón khách mới cũng đã có mức tăng trưởng tốt về du lịch, để tạm quên cái thực trạng buồn khách “một đi không trở lại” kia?
Ngày 1/11 sắp tới đây, tuyến hàng không nối Phú Quốc với Siem Reap và Singapore sẽ khai trương, đánh dấu một bước tiến mới nối mạng hàng không đón khách cả cũ lẫn mới.
Ông Trần Đăng Cơ, chuyên về thị trường Singapore của Công ty Link Travel, cho biết, đường bay này cho phép thiết kế tour hấp dẫn khách từng đến Việt Nam, nhưng sẽ quay lại thăm địa điểm mới là Phú Quốc trên đường đến điểm du lịch nổi tiếng hơn là Siem Reap.
Link Travel đã nhận được nhiều quan tâm khi quảng bá tour. Khách từ Singapore đi Siem Reap sẽ có điều kiện ghé đảo Phú Quốc tắm biển, chơi golf và nghỉ dưỡng trong các resort sang trọng. Từ sự kiện này có thể đánh giá muốn đón khách cũ phải có sản phẩm du lịch cao cấp, đặc thù, ít bị cạnh tranh và kết nối với điểm đến của các nước khác trong khu vực.
Phải xác định du lịch Việt muốn đón khách cũ thì chỉ nên tập trung đầu tư vào “dòng khách sang”. Dòng khách này sẽ ít bị ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng làm ăn chụp giật, lừa đảo trộm cắp, giao thông ách tắc, và mức độ hài lòng về Việt Nam sẽ cao hơn khách bình dân.
Các sản phẩm du lịch của ta chỉ có mục tiêu phục vụ khách rất chung, chứ không có những phương hướng đầu tư rõ rệt. Ví dụ, điểm đến đón khách quay lại tốt chính là khu vực miền Trung, nơi có bờ biển dài, đẹp, đã có các resort và nhà hàng thương hiệu quốc tế, sân golf, giải trí có thưởng, nhưng lại thiếu nơi mua sắm hàng hiệu quy mô lớn và biểu diễn nghệ thuật.
Nơi có ý thức xây dựng một sản phẩm đặc thù đủ sức hấp dẫn khách cũ đến nghỉ ngơi là Đà Nẵng, với hệ thống dịch vụ sang trọng tầm quốc tế, có cả dịch vụ của Công ty Vitour làm dịch vụ trực thăng tham quan di sản hang động tại Quảng Bình, thăm Huế, đánh golf và nghỉ ngơi ở Đà Nẵng hoặc Hội An.
Nhiều giải golf quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng thu hút lượng khách cũ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia. Hội An có nhiều dịch vụ ẩm thực đặc sắc đủ trình độ tổ chức phiên chợ đón được khách với giá 800 USD/người cho khách đi chợ giải trí, thưởng thức ẩm thực trong 3 giờ.
Đà Nẵng thúc đẩy các dự án đầu tư một số dịch vụ mới như bến du thuyền, dự án làng văn hóa Nhật Bản, tuyến phố đi bộ Địa Trung Hải ở ven biển để tạo thêm sản phẩm du lịch cao cấp và đặc sắc riêng.
Từ nền tảng đó, Đà Nẵng có thể thu hút lượng khách chi tiêu nhiều đến từ Đông Á như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, quay lại Đà Nẵng trong chuyến đi xa hơn về phía Campuchia, và các nước ASEAN khác.
Trong khả năng chưa thể đưa khách cũ Âu, Mỹ quay lại, thì những sản phẩm đầu tư phải hướng thẳng vào sở thích của khách Đông Á, Đông Nam Á và Việt kiều.
Ví dụ khách du lịch Trung Quốc thích các trò giải trí có thưởng, cần phát triển các casino, trung tâm thương mại cao cấp đón khách Trung Quốc cũng đã có sự tăng trưởng lớn với 1,8 triệu khách/năm. Khách vùng Đông Bắc Thái Lan thích nghỉ biển và mua sắm đặc sản.
TP.HCM là một điểm đến quan trọng trong các tour quốc tế đối với Đông Nam Á. Với thực trạng bất cập về giao thông, trật tự, các tour Mekong hiện tại đơn điệu và bình dân, chỉ nên đầu tư đón khách cũ nhắm vào tour MICE, thiết kế dịch vụ đặc thù cho khách công vụ.
Nhìn vào số liệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng qua đạt hơn 6 triệu lượt, có hơn 2 triệu khách đến vì công việc và thăm thân nhân, có thể nhận định nếu như không có phương hướng đầu tư sản phẩm đặc thù, luôn mới mẻ, hấp dẫn cả khách mới lẫn cũ, thì không nên “vật vã nhức đầu” vì thua kém các nước trong ASEAN ở con số khách quen quay lại.
BÍCH HỒNG