Bang Tasmania là một hòn đảo tách rời khỏi nước Úc rộng lớn. Nhiều khách du lịch đến Úc đều muốn ghé Tasmania để khám phá cảnh quan hữu tình, động thực vật đa dạng và các di tích từ thế kỷ 19 do tù nhân người Anh khai khẩn và xây dựng.
30.000 năm trước đã có thổ dân aborigines sống trên đảo Tasmania, lúc đó vẫn còn gắn liền với lục địa Úc, mãi đến tận thế kỷ 17 nhà thám hiểm người Hà Lan Abel Tasman mới phát hiện đảo và lấy tên mình đặt cho hòn đảo. Hậu duệ của những cư dân đầu tiên trên đảo nay còn khoảng 4.000 người.
Đảo xanh Tassie
Người Úc âu yếm gọi tên bang đảo này ngắn gọn là Tassie. Vào những dịp học sinh được nghỉ học (ở Úc cứ sau 10 tuần học liên tiếp các trường đều nghỉ hai tuần gọi là school day), nhiều gia đình đưa con cái tới Tassie. Thanh niên và những người mê đi bộ xuyên rừng, những người thích hoa cỏ, thế giới động vật hoang dã hay ham câu cá, quan sát chim… coi Tassie là thiên đường.
Ở Tassie có rất nhiều công viên quốc gia và các khu bảo tồn, có đến 1/5 diện tích đảo là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Một ngày tháng 9 vừa qua, đúng vào kỳ nghỉ của các trường tại Úc, chúng tôi đến Tasmania. Đến sân bay TP Hobart, thủ phủ của Tassie với 40% dân đảo sinh sống, chúng tôi thuê xe tự lái dọc ngang hòn đảo. Từ Hobart, chúng tôi đi dọc tuyến đường ngắm cảnh nổi tiếng Panoramic View tới tận công viên quốc gia Freycinet dài khoảng 300km.
Đường đồi dốc quanh co, núi non chập chùng, những mặt hồ xanh thẳm in bóng núi gợi đến thiên nhiên Thụy Sĩ, những rừng bạch đàn thân màu trắng xanh nổi bật trên trảng cỏ màu vàng rơm rập rờn như sóng khiến ngỡ đang ngang qua châu Phi, trong khi nhiều đoạn đường ven biển nhìn xuống các vịnh nhỏ bãi cát mịn màng, nước biển trong vắt lại khiến liên tưởng đến các đảo biển Caribbean hay những vườn nho trên sườn đồi phủ cây ôliu chẳng khác gì các nước vùng Địa Trung Hải…
Dễ hiểu vì sao Tasmania luôn là điểm đến hấp dẫn với người Úc và du khách nước ngoài. Nhưng Tasmania vẫn rất riêng, không lẫn vào đâu được ở các bãi chăn thả đầy cừu đang gặm cỏ, những bầy kangaroo dạn dĩ ngẩng đầu ngắm người và xe, những vách đá granite dựng đứng trong rất nhiều công viên quốc gia.
Tuyết trên đỉnh Wellington và “Con quỷ Tasmania”
Thời tiết ở Úc không tương ứng với các châu lục khác. Lúc này đang là mùa thu ở nhiều nơi nhưng trên đất Úc mới đương xuân. Cây mới ra lộc non ánh lên màu nõn trong nắng xuân vàng ửng, hoa cỏ nở tưng bừng, tung phấn đầy trong không gian khiến người lớn và trẻ em rất dễ… nhảy mũi.
Con đường ngoằn ngoèo từ Hobart lên đỉnh Wellington đưa chúng tôi đi qua mấy miền khí hậu, thay đổi qua từng độ cao. Và khi lên tới đỉnh núi cao 1.271m, chúng tôi reo lên “Tuyết kìa!”. Cây cỏ đều phủ trắng tuyết, cảnh vật bảng lảng trong mây và sương. Buốt giá, co ro vì trời lạnh mà ẩm, cả nhóm cứ chui ra chui vào vọng lâu bằng kính để ngắm cảnh.
Xuống núi, chúng tôi đến thị trấn Port Arthur nổi tiếng với những phế tích của thời kỳ Tasmania là nơi lưu đày các tù nhân đến từ nước Anh xa xôi dưới quyền trị vì của nữ hoàng Victoria. Những người tù đã ghi lại một chương đáng nhớ trong lịch sử cận hiện đại Úc và xây dựng thị trấn Port Arthur hoàn toàn bằng tay, để ngày nay nó được UNESCO công nhận di sản thế giới.
Cách Port Arthur không xa, chúng tôi ghé thăm một khu rừng bảo tồn do tư nhân quản lý, nơi đang chăm sóc những cá thể động vật thuộc họ ăn thịt hiện chỉ có tại Tasmania. “Con quỷ Tasmania” – tên loài vật này – được chọn làm biểu tượng của bang Tasmania.
“Con quỷ Tasmania” mỗi khi há ngoác miệng lộ hàm răng dài nhọn lởm chởm nhìn rất hung dữ, hai tai đỏ rực nổi bật trên màu lông đen tuyền. Khi tức giận chúng tiết ra một mùi khó ngửi và gào thét rất to, nhưng đây lại là một loài vật rất hiền lành, thường chúi vào góc hang, hốc cây.
Con đường xuyên dọc chiều dài đảo, nối Hobart với Launceston, thành phố lớn thứ hai của Tasmania, đi qua bao thị trấn làng mạc xinh đẹp. Phố xá Launceston xinh xắn với các ngôi nhà kiểu thuộc địa nhiều màu sặc sỡ. Trong khu ẩm thực ở quảng trường Yorktown, chúng tôi tình cờ nhìn thấy biển hiệu của nhà hàng Mekong với quốc kỳ Việt Nam.
Cả tuần rong ruổi dọc ngang đảo Tasmania vẫn chưa đã mắt. Có lẽ chúng tôi vẫn cần dành ra một kỳ nghỉ khác để đi bộ xuyên rừng khám phá thêm nhiều nơi trên đảo Tasmania mà các phương tiện cơ giới không tới được.
ĐẶNG MINH LÝ