Một trong những địa chỉ đẹp và nổi tiếng nhất của Thụy Sĩ là ngọn núi Jungfraujoch gần thành phố Interlaken. Đi tàu lên Jungfraujoch – nhà ga cao nhất châu Âu – khách du lịch sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng đầu nguồn con sông băng này.
Để lên được Jungfraujoch ở độ cao 4.185m người ta phải đi tàu bánh răng trong đường hầm trong lòng núi. Con đường dẫn khách du lịch qua các bến tàu mang tên Eigergletscher, Eigerwand, Eismeer để tới điểm đích Jungfraujoch – nhà ga nằm ở độ cao cao nhất châu Âu hay còn được gọi là “Top of Europe” – mái nhà châu Âu.
Từ thành phố Interlaken, cả hai đi tàu chuyến sớm đến thị trấn Grindelwald, một thị trấn xanh tươi với những ngôi nhà gỗ truyền thống. Sự tương phản giữa màu nâu của những ngôi nhà gỗ, màu xanh của cỏ cây, màu trắng của những đỉnh núi phủ đầy tuyết và màu xanh bầu trời làm ai cũng háo hức được đặt chân lên sông băng lớn nhất châu Âu (Aletschgletscher) càng nhanh càng tốt.
Sông băng Aletschgletscher nằm trên đất Thụy Sĩ là con sông băng lớn và dài nhất dãy Alps vờiđộ dài khoảng 23km, diện tích 117km² và chứa khoảng 26,5 tỉ tấn băng.
Đi tàu lên Jungfraujoch, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng đầu nguồncon sông băng và trượt tuyết trên những cung đường bên cạnh dòng sông này.
Con tàu đã đứng đợi du khách, chỉ mấy phút nữa tàu chạy mà chúng tôi vẫn chưa có vé. Vội vã xếp hàng mua được hai vé, chúng tôi lên được toa tàu chỉ trước mấy giây tàu chuyển bánh. Từ thị trấn Grindelwald mọi người tiếp tục đi tàu bánh răng lên ga Kleine Scheidegg. Tại đây du khách lại phải đổi sang tàu bánh răng Jungfraubahn để đến Jungfraujoch, ga cuối cùng của chuyến tàu và cũng là đích đến của chuyến đi.
Jungfraujoch là nhà ga cao nhất châu Âu ở độ cao 3.454m. Từ Kleine Scheidegg (cao 2.061m) lên đến Jungfraujoch, tàu phải vượt qua độ cao 1.393m, nhiều đoạn độ dốc đường tàu lên tới 25%.
Đoạn đầu, tàu đi qua một đường hầm ngoài núi, dừng ở bến Eigergletscher (bến cuối cùng trước khi con tàu xuyên vào lòng núi) rồi đến bến Eigerwand,cuối cùng là bến Eismeer (biển băng).
Tại bến Eigerwand và Eismeer, khách du lịch có 5 phút xuống tàu để nhìn qua cửa kính chiêm ngưỡng cảnh núi tuyết trắng xóa. Nhưng chỉ một số người xuống, còn lại đều đang mải gà gật vì trong một thời gian ngắn thay đổi độ cao đột ngột và bên trong toa tàu dù sao cũng… ấm hơn bên ngoài.
Bến cuối cùng của con tàu cũng đã hiện ra. Háo hức được đặt chân lên nhà ga cao nhất châu Âu, chúng tôi xuống tàu, dùng thang máy đi lên trạm Sphinx, nơi khách du lịch có thể chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ và sông băng lớn nhất châu Âu – sông băng Aletschgletscher.
Chuyến tàu hôm ấy đông nghẹt người, không còn một chỗ trống, phần lớn du khách là người châu Á. Người Nhật, người Hàn, người Ấn Độ và ngày càng nhiều người Hoa đến thăm đất nước này. Dân châu Á chiếm đại đa số du khách đi tàu bánh răng lên chiêm ngưỡng sông băng.
Có ngày tàu Jungfrau đưa đến 6.000 khách du lịch lên mái nhà châu Âu. Năm 2007 đã có hơn 700.000người được dạo chơi trên sông băng lớn nhất châu Âu này. Nhưng chưađủ,trong tương lai người Thụy Sĩ còn muốn đưa 1 triệu lượt người/năm lên Jungfraujoch.
Những nụ cười trên biển băng
Từ trên sân thượng Sphinx, nơi được coi là mái nhà châu Âu, sông băng Aletschgletscher và những đỉnh núi trên 4.000m hiện lên rõ mồn một.
Lần đầu tiên đứng trên độ cao hơn 4.000m, dù không leo bằng chính đôi chân của mình nhưng vẫn có một thứ cảm giác thỏa mãn tuyệt vời khi được đứng nơi đầu nguồn con sông băng ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ phủ một màu trắng xóa xung quanh.
Tuyết trắng phủ dày trên mặt sông băng
Đỉnh núi Mönch quanh năm phủ một màu trắng tinh khôi
Rời khỏi sân thượng, cả hai qua bưu điện cao nhất châu Âu gửi bưu thiếp cho bạn bè. Bưu điện này lúc nào cũng đông nghịt người, kẻ đứng người ngồi viết những dòng cảm xúc của mình chia sẻ với bạn bè và người thân khi đứng trên mái nhà châu Âu.
Hoàn thành sứ mệnh “khoe hàng” với bạn bè bằng việc gửi postcard về Đức, sang Ý, Thụy Sĩ và tất nhiên tới Việt Nam, chúng tôi thẳng tiến đến thăm Lâu đài băng (Ice Palace).
Lâu đài được khoét trong băng với những đường hầm sâu hun hút như một ma trận.Nhiều góc lâu đài trưng bày những tượng băng trong suốt, thú vị và sinh động như những tác phẩm nghệ thuật. Các đường hầm khá lắt léo có thể bị lạc nên với đám trẻ, thú vị nhất có lẽ là chơi trò trốn tìm trong những đường hầm lắt léo ngay ở chốn này.
Sau khi thỏa thích chiêm ngưỡng lâu đài băng, mọi người háo hức lao ra phía ngoài, nơi con sông băng dài nhất châu Âu bắt đầu.Ngườithong thả dạo bộ trên những lớp tuyết mịn, người thích thú sờ tận taytuyết và băng trên “sông”, còn đám trẻ tràn đầy sức sống lại bắt đầu tham gia các khóa học trượt tuyết hoặc “bay” trên dây…
Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là đi trekking trên băng đến những đỉnh núi xa hơn, để được thỏa chí chiêm ngưỡng hàng loạt đỉnh núi trên 4.000m tuyết phủ trắng xóa…
NAM VINH – VI BẰNG