Bao quanh là núi, chính giữa là hồ và những ngôi nhà sàn khiến khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Dakruco như một mô hình Tây Nguyên thu nhỏ. Du khách đến đây gọi đó là chuyến đi về miền hoang dã…
Khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Dakruco nằm cách TP Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chưa đầy 50 cây số. Từ trung tâm thành phố, đi theo hướng về Bản Đôn rồi đi tiếp khoảng 8 cây số nữa là đến nơi. Trên đường đi người ta bắt gặp những bản làng của người Ê Đê, M’Nông, Lào… nối tiếp nhau xen lẫn những cánh rừng, đồng cỏ… Con đường trải nhựa phẳng lì suốt tuyến.
Khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Dakruco nằm giữa những ngọn núi lớn nhỏ bao bọc. Có một cái hồ thiên nhiên khổng lồ rộng khoảng 200ha tên Dak Mil – theo cách gọi của đồng bào Ê Đê (người Kinh đọc trạy thành Đắc Minh). Các công trình, kiến trúc của khu du lịch nằm khiêm tốn ở một góc hồ. Tháng 3, tháng 4 là lúc Tây Nguyên vào mùa hạn. Thế mà hồ Dak Mil vẫn còn nước, có nơi sâu đến 15 mét. Du khách có thể tha hồ chèo thuyền độc mộc, đi ca-nô, đạp vịt rong chơi trên mặt hồ. Hoàng hôn buông xuống, Dak Mil càng rực rỡ.
Dakruco được xây dựng trên diện tích hơn 1.000ha, trong đó hơn 95% diện tích là rừng. Khu du lịch nằm dưới những tán rừng xanh tỏa bóng mát. Khu nhà nghỉ được xây dựng theo kiến trúc nhà dài của người Ê Đê. Có phòng dành cho hai người, có phòng chứa đến 20 người. Mỗi phòng nghỉ là một ngôi nhà nằm gần nhau như một bản làng. Bên trong các nhà được trang bị tiện nghi, phù hợp với nhu cầu của du khách. Muốn tìm cảm giác hoang dã hơn, du khách có thể thuê những căn phòng được cất theo kiểu nhà sàn, vách gỗ, mái lợp lá, nằm xen lẫn trong những cánh rừng dưới chân núi. Gần khu vực nhà hàng-khách sạn là bảy ngôi nhà dài Ê Đê được xây dựng đúng nguyên bản của cư dân bản địa. Không gian ở đây khá rộng, du khách đi chưa bao nhiêu đã thấy mỏi chân. Nếu đến đây bằng ô tô, du khách có thể thuê xe đạp để vòng vèo khám phá hết núi rừng của miền hoang dã này.
Tại Dakruco có hai khu vực trưng bày điêu khắc gỗ. Một điểm được bố trí hai bên đường vào khu vực nhà hàng. Một điểm khác nằm trong khu rừng nằm phía sau các ngôi nhà dài làm phòng nghỉ. Tại khu vực nhà hàng, các tượng gỗ điêu khắc theo nhiều trường phái khác nhau nhưng tựu chung vẫn lấy văn hóa Tây Nguyên làm chủ đạo. Riêng vườn tượng thứ hai thiên về điêu khắc truyền thống của Tây Nguyên. Đó là những tượng người, mô tả đời sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc và các tượng thường thấy tại các nhà mồ Tây Nguyên. Hai vườn tượng này là những công trình điêu khắc của các nghệ nhân Việt Nam và quốc tế từ các cuộc thi điêu khắc.
Nằm cách khu vực nhà hàng, khách sạn gần 2 cây số là khu vực đồi tâm linh. Tại đây, có tượng phật Quan Âm cao gần 40 mét. Xung quanh là vườn tượng 18 vị La Hán được chạm khắc trên đá với nhiều tâm trạng khác nhau. Toàn khu vực này được đầu tư tỉ mỉ, tạo thành một không gian tâm linh rộng lớn, chạy dài từ chân đến đỉnh đồi. Chùa ở đây không xây dựng hoành tráng mà chỉ làm bằng mái tranh, cột kèo được sử dụng từ tre và gỗ. Kiến trúc chùa là không gian mở, không có cửa. Du khách không là tín đồ Phật giáo nhưng đến đây cũng thấy lòng lắng lại. Buổi sáng sớm hoặc chiều tối, tiếng chuông chùa ngân nga văng vẳng từ đỉnh đồi làm không gian thêm tĩnh mịch.
Buổi tối, Dakruco mới toát lên hết vẻ hoang dã giữa đại ngàn. Không khí lại bao trùm. Bên những đống lửa, hơi men rượu cần và điệu múa hòa tiếng cồng chiêng xóa tan không gian u tịch và cái lành lạnh của núi rừng. Đêm Dakruco rộn ràng…
Nguồn: Báo Cần Thơ