Tiếp nối thành công của Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hậu Giang năm 2009, tỉnh Sóc Trăng sẽ đăng cai tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Môi trường xanh cho cánh đồng vàng” và “Vinh danh hạt ngọc Việt” từ ngày 8 – 14/11/2011.
Festival có sự tham gia chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng UBND tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh, thành phố lân cận.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời và sản xuất nông nghiệp phát triển trên thế giới. Nhiều thập kỷ qua, thương hiệu lúa gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Việc tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai không chỉ nhằm quảng bá, định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam, mà còn là dịp để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu và mua bán sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ký kết hợp đồng, giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong nước và quốc tế.
Nội dung các hoạt động trong khuôn khổ festival sẽ mang ý nghĩa giới thiệu, tôn vinh những thành tựu vật thể và phi vật thể của nền văn minh lúa nước Việt Nam như: các hội chợ – triển lãm mang chủ đề: “Tái hiện mô hình công cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại”, “Mô hình phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ”, “Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới”; các hội thảo: “Đặc sản gạo Sóc Trăng – Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”, “Gạo Việt Nam: Ai bán, Ai mua?”, “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam”…; trao tặng Cúp vàng “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín ngành hàng lúa gạo Việt Nam”; quảng bá du lịch; giao lưu văn hóa, ẩm thực; biểu diễn nghệ thuật và các chương trình hưởng ứng khác…
Để chuẩn bị cho Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2, ngay từ đầu tháng 1/2011, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban chuyên môn và phân công công tác chuẩn bị để festival diễn ra đúng thời gian đã định. Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã khẩn trương triển khai các hạng mục, công trình lớn phục vụ festival như: nâng cấp hồ Nước Ngọt – địa điểm tổ chức chính của festival; xây dựng hơn 11km kè bờ sông Maspero – nơi tổ chức lễ hội Đua ghe Ngo; phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật và thi viết về “Thương cảng Bãi Xàu” – một địa danh gắn với xuất khẩu gạo xưa của Sóc Trăng; khởi động cuộc thi “Người đẹp Sóc Trăng”…
Nguồn: TTTTDL