Ngút ngàn những cánh rừng ngập mặn, giàu có về đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật quý hiếm là những lợi thế to lớn để phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Ðịnh), khu bảo tồn dự trữ sinh quyển đất rừng ngập mặn.
Nằm trên địa phận huyện Giao Thủy, ngay tại cửa Ba Lạt của sông Hồng, Vườn quốc gia Xuân Thủy cách Hà Nội 150 km về phía đông nam, là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo Công ước Ramsar, rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lu và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của Vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.
Khu vực này được hình thành tự nhiên do phù sa sông Hồng đổ ra biển gặp dòng hải lưu dồn tụ chất màu của đất vào đây. Hạt của nhiều loại cây ngập mặn bồng bềnh trên mặt biển theo sóng dạt vào, khi gặp đất tốt, hạt nảy mầm nối nhau thành rừng ngập mặn. Ðó là lý do mà rừng ngập mặn ở đây gồm nhiều loại cây như: trang sú, bần, muồng biển, lau sậy… Các cây này tham gia chắn sóng tạo điều kiện cho hàng chục loại rong tảo phát triển, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao. Kho thức ăn vô tận mà thiên nhiên ban tặng đã thu hút nhiều loài quý trong vùng sinh sôi nảy nở. Rừng ngập mặn thật sự có vai trò hết sức quan trọng, tạo dựng sinh cảnh, nơi nhân giống và dự trữ thức ăn phong phú cho nhiều loại động vật, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho khu vực.
Ngay khi bước vào Xuân Thủy, du khách sẽ bắt gặp những đàn cò, nhiều loài chim mầu sắc sặc sỡ đang tìm mồi giữa bãi lầy. Hằng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương nam trú đông, trong đó có tới một phần năm số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Tại đây, ước tính có 215 loài chim sinh sống, tiêu biểu như: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân vàng, mòng bể đầu đen, giang sen và choắt chân màng lớn. Trên vùng đất ngập mặn này có hàng trăm loài động vật thủy sinh.
Du khách có thể đến được đài quan sát xây trên nền đất cao bằng thuyền để phóng tầm mắt bao quát cả khu rừng ngập mặn. Du khách hít thở khí trời trong lành giữa không gian bao la của những đầm tôm rộng lớn, đây vừa là mô hình phát triển kinh tế vừa là mô hình du lịch khá hấp dẫn. Phát triển du lịch sinh thái không những đem lại nguồn lợi kinh tế cho Vườn và cư dân sống trong vùng đệm mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo tồn. Vườn quốc gia Xuân Thủy sẽ được lựa chọn là khu vực thí điểm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia, nằm trong dự án có sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ thực hiện từ tháng 7-2011 tới cuối năm 2014.
Nguồn: Báo Nhân Dân